"Cột mốc" niềm tin trong lòng dân biên giới
Tưởng chừng đến với vùng biên mùa khô chỉ có hai “đặc sản” là nắng rát và gió bụi. Nhưng có chạm ngõ biên cương mới biết, trên miền đất ấy còn thấm đẫm tình người, tình quân dân giữa muôn vàn gian khó.
Đồn Biên phòng Ea H’leo được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 6,5 km, tiếp giáp với huyện Cô Nhéc (tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia). Địa bàn đơn vị quản lý khá rộng, gồm 18 thôn thuộc xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) với trên 1.700 hộ dân sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 52%. Làm nhiệm vụ ở vùng biên có khí hậu khắc nghiệt, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 69%, khiến cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’leo phải nỗ lực gấp nhiều lần để cùng dân xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H'leo tuần tra bảo vệ biên giới. |
Với tinh thần luôn coi đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã nhiệt thành gắn bó, xây đắp “cột mốc” niềm tin trong lòng bà con bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa. Tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị vững mạnh, đơn vị nêu cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ tăng cường xã, cán bộ, nhân viên đội Vận động quần chúng. Hiện nay đơn vị có 14 đảng viên tham gia sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ thôn và 18 đảng viên phụ trách 69 gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình chính sách… Các anh không chỉ tích cực tham mưu, tham gia kiện toàn các tổ chức chính trị, xã hội, mà còn cùng địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Đại úy Vũ Văn Dương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ea H’leo
|
Chỉ riêng năm 2019, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã đóng góp gần 200 ngày công giúp dân phát triển kinh tế, gói gần 1.500 bánh chưng xanh tặng người nghèo, phối hợp xây dựng một căn nhà Đại đoàn kết; tham mưu, phối hợp vận động tặng quà cho gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và các em học sinh với tổng số tiền trên 840 triệu đồng. Cùng với đó, đơn vị tiếp tục đỡ đầu học sinh trong chương trình “Nâng bước em đến trường”; phối hợp khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 1.000 lượt người dân; chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, qua đó hỗ trợ đưa 4 người dân ra khỏi vùng lũ, phối hợp tặng 400 suất quà cho các hộ dân bị thiệt hại…
Đến xã Ia Lốp, có tận mắt chứng kiến đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ mới hiểu thêm phần nào những khó khăn, vất vả của chiến sĩ quân hàm xanh. Địa bàn quản lý rộng, nên Đội công tác địa bàn phải mượn tạm Trạm y tế cũ của xã (ở thôn Đừng) và điểm trường mẫu giáo cũ (ở thôn Vùng) để làm nơi ở, sinh hoạt. Do xây dựng đã lâu nên các nơi ở khá cũ kỹ, thậm chí một số hạng mục có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, khó khăn ấy không làm nản lòng những người lính quân hàm xanh. Các anh vẫn tích cực bám nắm địa bàn, tường tận mọi hoạt động khu vực biên giới; cùng chăm sóc, điểm tô cho nơi sinh sống bằng một vườn rau xanh non và đàn vật nuôi ...
Cán bộ Đồn Biên phòng Ea H'leo trò chuyện, động viên em Hà Duy Long. |
Ngay từ khi nhận cháu Hà Duy Long (dân tộc Thái, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Cầm Bá Thước) làm con nuôi, đơn vị đã đưa cậu bé 11 tuổi về chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà công tác địa bàn. Mẹ Long mất sớm, bố đi làm ăn xa ít có dịp về, Long và em gái ở với ông bà nội. Thương Long thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, Đồn phân công Trung úy Phùng Văn Hai và Trung úy Võ Minh Hiếu trực tiếp chăm lo, hướng dẫn cháu học tập, rèn luyện, uốn nắn hằng ngày. Nhờ vậy, cậu bé sớm thích nghi với nhịp sống mới, tăng tính tự lập, tự giác, mọi sinh hoạt dần đi vào nền nếp. Long kể rằng mới đầu cháu rất nhớ nhà, nhưng bây giờ đã quen với nơi ở mới này. Rảnh rỗi, các chú vẫn thường chở cháu về thăm ông bà, hướng dẫn làm việc nhà. Các chú còn động viên nếu học giỏi sẽ có thêm phần thưởng nên cháu sẽ cố gắng nhiều hơn nữa…
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc