Multimedia Đọc Báo in

"ATM gạo" – San sẻ yêu thương

09:34, 16/04/2020

Bắt đầu đi vào hoạt động từ sáng ngày 13-4, chương trình “ATM gạo nghĩa tình” do Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột và Công ty Du lịch Ngày mới tổ chức đã phát huy hiệu quả, chia sẻ với người khó khăn trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tương trợ lúc khó khăn

Mặc dù đến 8 giờ cây “ATM gạo” mới chính thức khởi động nhưng từ sáng sớm, hàng trăm người lao động nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn đã có mặt tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột để nhận túi gạo sẻ chia.

Lực lượng công an, dân phòng, đoàn viên thanh niên cũng đã có mặt để hỗ trợ hướng dẫn người dân không tập trung thành nhóm mà đứng giãn cách vào những ô vạch sẵn với khoảng cách 2 mét, đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn rửa tay để phòng dịch bệnh trước khi vào nhận gạo.

Với kinh phí lắp đặt khoảng 5 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa, máy “ATM gạo” được trang bị bộ cảm biến tự động,  người dân chỉ cần quét tay vào nút cảm biến từ khoảng cách 5 cm thì máy sẽ tự động "nhả" gạo, mỗi lần được 2 kg. Là người thiết kế và sáng tạo, cải tiến và thi công chiếc máy ý nghĩa này, anh Bùi Tuấn Anh cho hay: “Quá trình lên ý tưởng và hoàn thành máy chỉ diễn ra trong 2 ngày, điểm cải tiến ở máy này là ngoài hệ thống cảm biến tay, mọi người có thể dùng cần giậm chân được đặt ngay dưới máy. Mỗi lần ấn pêđan, gạo sẽ tuôn ra đúng số lượng được lập trình sẵn”.

Tình nguyện viên hỗ trợ người dân nhận gạo từ máy
Tình nguyện viên hỗ trợ người dân nhận gạo từ máy "ATM gạo".

Để tạo điều kiện cho người khó khăn nhận gạo, máy “ATM gạo” hoạt động trong khoảng thời gian từ 8-11 giờ và từ 14-16 giờ hằng ngày. Có mặt từ rất sớm và kiên trì xếp hàng chờ đến lượt nhận gạo, ông Phan Công Trình (72 tuổi) tâm sự, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, một mình ông từ Quảng Ngãi vào ở trọ tại phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) đi bán vé số dạo để kiếm tiền trang trải qua ngày. Gần 2 tuần nay, thực hiện cách ly xã hội nên ông nghỉ bán vé số, mất khoản thu nhập hằng ngày nên phải chật vật chạy ăn từng bữa. Món quà từ cây “ATM gạo” đã giúp ông đỡ một phần khó khăn.

Mưu sinh bằng nghề bán đậu phụng dạo nên từ khi các cửa hàng, quán ăn đóng cửa, bà Lê Thị Thơm (72 tuổi) mất nguồn thu nhập, lâm vào cảnh túng quẫn. “Cả tuần nay, mỗi bữa ăn của tôi đều trông cậy cả vào hàng xóm. Số gạo nhận lần này thực sự có ý nghĩa rất lớn, như là “cứu cánh” giúp tôi vượt qua khó khăn. Hy vọng chương trình này sẽ được triển khai ở nhiều nơi để những người yếu thế như chúng tôi có thêm cơ hội được giúp đỡ”, bà Thơm chia sẻ.

Sự chung tay của cả cộng đồng

Đắk Lắk là tỉnh thứ 4 trên cả nước thực hiện máy ATM phát gạo miễn phí sau Hà Nội, Huế và TP. Hồ Chí Minh. Với tinh thần “ai có thì mang đến, ai khó khăn thì tới nhận”, tuy mới vừa đưa vào hoạt động nhưng ý nghĩa của hoạt động đã nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng. Ngày đầu tiên triển khai, chương trình đã phát 1,5 tấn gạo cho người dân khó khăn. Tại khu vực máy “ATM gạo”, không chỉ có hàng trăm người tới nhận gạo mà có rất nhiều nhà hảo tâm đã mang gạo đến để quyên góp, hoặc hỗ trợ tiền mặt để mua gạo giúp người có hoàn cảnh khó khăn. Là một trong những mạnh thường quân của chương trình, chị Nguyễn Ngọc Lan (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, ngay sau khi biết được thông tin về cây “ATM gạo” hỗ trợ người nghèo, cả gia đình chị đã thống nhất ủng hộ 5 tạ gạo với mong muốn góp một phần nhỏ giúp chương trình hoạt động lâu dài.

Đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân sát khuẩn trước khi vào nhận gạo.
Đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân sát khuẩn trước khi vào nhận gạo.

Cùng chung tay với cộng đồng, Công ty Cổ phần sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) cũng đã hỗ trợ khối lượng lớn rau củ để tặng người dân khi đến nhận gạo tại máy ATM. Chị Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc điều hành công ty cho biết: “Trung bình mỗi ngày, công ty hỗ trợ 1 tạ rau củ các loại để phát trực tiếp cho người có hoàn cảnh khó khăn. Tất cả các sản phẩm hỗ trợ đều được thu mua từ các hợp tác xã liên kết với công ty, có chứng nhận VietGAP. Tôi mong rằng, tất cả mọi người sẽ cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt vượt qua thời điểm khó khăn, chung tay để đẩy lùi dịch bệnh".

Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Bắc Đăk Lăk đã đến ủng hộ 2 tấn gạo cho Chương trình “ATM gạo nghĩa tình”. Kinh phí thực hiện chương trình là 30 triệu đồng, được trích từ Quỹ xã hội Công đoàn cơ sở Agribank Bắc Đăk Lăk. Đoàn cơ sở Agribank Đắk Lắk đã ủng hộ 500 kg gạo tiếp thêm vào “ATM gạo” tại Đường Sách cà phê Buôn Ma Thuột. Ngoài ra, Agribank Đắk Lắk cũng đã vận động cán bộ, nhân viên, người lao động trong đơn vị đóng góp hơn 150 triệu đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ngay khi biết đến chương trình “ATM gạo nghĩa tình”, Huyện Đoàn, Hội LHTN Việt Nam huyện Cư M’gar đã viết thư kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ gạo để hỗ trợ các gia đình khó khăn. Số gạo vận động được sẽ trích một phần gửi về Hội LHTN Việt Nam tỉnh để đóng góp vận hành máy “ATM gạo”, số còn lại sẽ được đơn vị cấp phát cho các hộ khó khăn trên địa bàn. Ngay trong ngày đầu tiên kêu gọi, đơn vị đã nhận được sự ủng hộ gần 1 tấn gạo từ các mạnh thường quân.

Không chỉ huy động đóng góp từ cộng đồng, giữ vai trò là đơn vị tình nguyện “chủ nhà”, Thành Đoàn Buôn Ma Thuột đã cắt cử lực lượng đoàn viên, thanh niên túc trực tại địa điểm để hỗ trợ hướng dẫn bà con đến nhận gạo đảm bảo khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay trước khi vào nhận gạo và đi về; hỗ trợ tiếp nhận gạo, nhu yếu phẩm từ các tổ chức, cá nhân để máy "ATM gạo" được vận hành thông suốt và đảm bảo an toàn.

Anh Phạm Trọng Phát, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN tỉnh cho biết: “Máy “ATM gạo” hoạt động không chỉ là giải pháp giúp đỡ người khó khăn giữa lúc tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mà qua những chương trình như thế chúng tôi càng hiểu hơn, thấm thía hơn tình người, tinh thần “tương thân tương ái” của cả cộng đồng".

Dự kiến hoạt động của máy “ATM gạo nghĩa tình” tại TP. Buôn Ma Thuột diễn ra từ ngày 13 đến 30-4-2020. Tính đến 16 giờ chiều 15-4, chương trình đã tiếp nhận hơn 33 tấn gạo, 2.000 quả trứng, 2 tấn rau xanh, 1.000 chai xì dầu, 600 chai nước mắm từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ủng hộ.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.