Multimedia Đọc Báo in

Chuyện sách và những người thân của tôi

13:26, 28/04/2020

Tôi trân trọng và tri ân những người thân, bạn bè, nhà trường, thầy cô đã tạo cơ duyên cho tôi đến với sách – người Thầy, người Bạn lớn giúp tôi vững bước vào đời.

Quê tôi là một ngôi làng hẻo lánh ở bắc miền Trung. Những đứa trẻ chúng tôi lớn lên trong thời chiến tranh gian khó nên hầu như không tiếp cận được nhiều với sách báo. Tôi biết đến sách bắt đầu từ những phần thưởng của nhà trường lúc học cấp 1. Thời đó phần thưởng cho học sinh chủ yếu là sách truyện cho thiếu nhi, như truyện về anh hùng Trần Quốc Toản, các liệt sỹ Nông Văn Dền, Nguyễn Văn Bé…

Có thể nói tôi “khát” sách đến độ có thể đọc bất cứ sách gì có được. Tôi thường chơi với các anh chị lớp trên trong làng để hỏi mượn sách nhưng không có nhiều. Tôi có một người bạn vong niên lớn hơn tôi cả giáp. Đó là anh Lê Hồng Lâm, bạn hơn tuổi của chú ruột tôi. Chú tôi đi học cấp 3 sơ tán cách nhà gần trăm rưỡi cây số, hồi đó không có phương tiện nên cả năm học mới về nhà một lần.

Còn anh Lâm bắt đầu học cấp 3 thì bị bệnh ho lao nên phải bỏ học ra Hà Nội chữa bệnh nhiều năm trời. Bệnh tạm ổn nhưng lỡ việc học hành nên anh trở về quê làm nghề đan lát để sinh sống. Thời đó bệnh ho lao là bệnh truyền nhiễm rất khó chữa trị, nên trong làng không ai dám đến gần anh, riêng tôi thì không. Nguyên nhân là tôi chưa biết nhiều lắm về bệnh lao; và thấy chú tôi vẫn đến thăm anh bình thường. Chú tôi đi học xa, tôi trở thành bạn của anh. Anh có một thư viện mini và tôi là độc giả “độc quyền” được mượn sách. Cùng với chú ruột tôi, anh Lâm truyền lửa cho tôi tình yêu sách và dạy tôi về lẽ sống và tinh thần tự lập qua sự trải nghiệm của một người lận đận vì mồ côi sớm, bệnh tật và học hành dở dang.

Một lần tôi mượn của anh cuốn Thép đã tôi thế đấy về nhà đọc ngấu nghiến, không may nồi cơm đang nấu bị cháy khét. Mẹ tôi đi làm về thấy vậy giật ngay cuốn sách cho vào bếp! Thực ra tôi đã nhiều lần vì mải đọc mà để gà vịt ăn lúa đang phơi, hoặc trông em thì để cho nó té sưng đầu. Mẹ tôi đã mấy lần dọa đốt sách và tôi cũng nhiều lần xin hứa không tái phạm. Nhưng lần này thì tội đã “rành rành”. Tôi chạy đến nhà anh Lâm kể sự tình, rất lo bị anh la mắng vì cuốn sách hồi đó rất quý nhưng không, anh chỉ cười cười…

Thời đó, khi lên học cấp 2 chúng tôi đã bắt đầu đi làm cho đội sản xuất hợp tác xã để có thêm công điểm phụ giúp gia đình, học một buổi làm một buổi. Tôi thường mang theo sách tranh thủ đọc lúc nghỉ giải lao. Vậy là tôi được tiếng “ham học” nhất làng. Bố mẹ tôi cũng phấn khởi nên giảm bớt cho việc nhà để có thời gian cho học hành.

Tôi học xong cấp 2 được chuyển thẳng lên cấp 3 không phải thi. (Nhiều đứa cùng lứa với tôi không tốt nghiệp được cấp 2 hoặc không thi lên được cấp 3 đều phải ở nhà làm ruộng). Tủ sách của anh Lâm chủ yếu sách người lớn, tôi tìm thấy cuốn sách học Tiếng Pháp trình độ trung cấp, tập 1 và mượn về học thử. Đầu óc tôi lúc đó có lẽ còn trống nhiều nên học chữ nào vào chữ đó. Sau mỗi bài học có bài tập, đáp án ở cuối sách; tôi làm bài, đối chiếu thấy đúng y chóc! Học xong cuốn sách tôi tưởng mình biết được tiếng Pháp rồi! Còn ông chú tôi đang học dở Đại học Mỏ địa chất thì lên đường nhập ngũ, lính pháo binh ở chiến trường Quảng Trị. Lúc về phép mang cho tôi cuốn giáo trình Tiếng Nga và bày tôi học mấy bài đầu. Tôi lại tự mày mò học, nhờ đó mà sau này vào Đại học, chỉ sau 1 năm rưỡi tôi vượt mặt cả lớp để làm cán sự Nga văn, mặc dù trong lớp có nhiều bạn ở các tỉnh miền Bắc được học ngoại ngữ tiếng Nga từ những năm cấp 3; có nhiều người đã học dự bị Nga văn để đi Nga làm lưu học sinhnhưng thi trượt chuyển về học cùng. Ông chú tôi rất mê Truyện Kiều, vào bộ đội thỉnh thoảng vẫn tổ chức nói chuyện về Truyện Kiều cho đồng đội nghe. Ông theo nghiệp chính trị, về hưu với quân hàm Đại tá và học vị Tiến sĩ Triết học.

Có lẽ do ham đọc sách nên tôi thích học môn Văn, được thầy giáo Văn ưu ái cho mượn sách… Tôi bắt đầu tập viết lách và trong một kỳ thi Thơ của trường tôi có 2 bài một đoạt giải nhì và một giải ba (không có giải nhất) lúc đang học 9 (lớp 11 bây giờ). Khi làm hồ sơ thi Đại học tôi đề nguyện vọng Đại học Tổng hợp Văn Hà Nội, nguyện vọng 2 (không đỗ đại học) ghi “Trung cấp Tổng hợp Văn). Ấy là máu me viết lách nên tôi cứ ghi đại vậy, chứ làm gì có Trung cấp Tổng hợp Văn! Kết quả báo điểm tôi thiếu mất 0,5 điểm, người ta chuyển sang Đại học sư phạm. Bà chị con dì tôi đã đi sư phạm 10 + 3 bảo: “Mày gầy yếu vậy đi sư phạm hợp”. Tôi chấp nhận. Nhưng sau này học xong, ra trường đi dạy mấy năm tôi bỏ đi làm nghề báo gắn bó cho đến giờ. Cái cậu đồng giải ba với tôi hồi trước ở khác lớp, tên là Hoàng Gia trở thành bạn với tôi kể từ đó, thêm một người bạn để trao đổi với nhau những cuốn sách quý. Sau thi đại học trượt hắn có giấy báo đi học 10+3, về dạy được chục năm lên chuyên viên Phòng Giáo dục, rồi hiệu trưởng trường nghề huyện; loay hoay thế nào lại sang làm Trưởng Đài huyện!

Sau này, tôi được biết cùng khóa cấp 3 với tôi có anh chàng mê sách đến nỗi chỉ thích học mỗi môn Văn, các môn khác bỏ bê nên trượt tốt nghiệp. Mãi sau cũng xin được vào ngành công an. Nhưng vốn đam mê văn chương quá nên thành ra “cuồng chữ” không phù hợp với công việc của ngành. Anh trở về quê, làm kế toán HTX mang theo “bệnh” rượu vào thơ ra nghe nói nhiều người dị nghị lắm.

Chuyện sách đồng hành với cuộc đời thật khó kể hết trong vài trang giấy. Chỉ xin được tóm lại một điều: Tôi trân trọng và tri ân những người thân, bạn bè, nhà trường, thầy cô đã tạo cơ duyên cho tôi đến với sách – người Thầy, người Bạn lớn giúp tôi vững bước vào đời.

Thế Nhân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.