Multimedia Đọc Báo in

Những nghĩa cử ấm tình người trong mùa dịch

18:35, 18/04/2020

Trong những ngày cao điểm của dịch bệnh Covid-19, trên địa bàn huyện Cư M’gar, nhiều cá nhân, tổ chức có tấm lòng thơm thảo đã cùng với cộng đồng sẻ chia, giúp đỡ  người khó khăn trong cuộc sống và chung tay phòng, chống dịch bệnh.

Trích tiền lương may khẩu trang tặng người nghèo

Từ đầu tháng 4 đến nay, tối nào ngôi nhà của chị Thái Thị Anh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Tar cũng như một tiệm may. Thay vì may quần áo, chị lại may khẩu trang tặng miễn phí cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để ngăn ngừa sự lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng.

Chị Thái Thị  Anh Hòa  đang may  khẩu trang tặng người dân.
Chị Thái Thị Anh Hòa đang may khẩu trang tặng người dân.

Tiệm may của chị Hòa hoạt động rất đều đặn, nhiều hôm may đến tận 12 giờ đêm. Sau hơn 10 ngày hoạt động, chị đã may và tặng 1.120 khẩu trang cho người dân. Điều đáng quý, nguyên liệu may khẩu trang do chị trích từ tiền lương của mình để mua. Ngoài tự may khẩu trang, chị Hòa còn phối hợp với Đoàn xã, Ban Chỉ huy Quân sự xã vận động trao tặng được 150 chai nước sát khuẩn và thêm 850 khẩu trang cho người dân… Chị Hòa chia sẻ: “Đối với các hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, để mua khẩu trang sử dụng cho cả gia đình là điều không dễ… Việc tôi trích tiền lương mua nguyên liệu may khẩu trang tặng cho người dân được cả gia đình ủng hộ. Khi may tôi chọn loại vải tốt để bà con có thể tái sử dụng được nhiều lần. Làm khẩu trang tặng người nghèo không phải để mọi người biết đến mà tôi chỉ muốn góp phần một phần bé nhỏ cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh”.

Những suất cơm trưa miễn phí

Từ ngày 9-4 đến nay, cứ vào 10 giờ 40, ở khu vực trước Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ tại đường Hùng Vương (thị trấn Quảng Phú) lại diễn ra hoạt động phát khẩu trang và cơm miễn phí cho nhân dân trên địa bàn, với khẩu hiệu “Người thừa đến cho, người khó đến lấy”. Đây là hoạt động do Chi hội thanh niên Phật giáo huyện Cư M’gar phối hợp với Đoàn thị trấn Quảng Phú tổ chức.

Chi hội thanh niên Phật giáo và Đoàn thị trấn Quảng Phú phát cơm và khẩu trang miễn phí cho người dân.
Chi hội thanh niên Phật giáo và Đoàn thị trấn Quảng Phú phát cơm và khẩu trang miễn phí cho người dân.

Để bảo đảm an toàn phòng dịch bệnh, trước khi nhận cơm người dân phải thực hiện rửa tay sát khuẩn, đứng thành hàng bên lề đường, giãn cách với nhau và phải đeo khẩu trang. Những người đến nhận cơm, khẩu trang miễn phí đều là người nghèo, thu nhập thấp hoặc không có thu nhập. Bình quân mỗi ngày chương trình phát khẩu khẩu trang và cơm miễn phí cho khoảng 100 người dân (mỗi suất cơm trị giá 15.000 đồng). Nguồn kinh phí do các gia đình phật tử đóng góp và huy động thêm từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn…

Anh Huỳnh Xuân Lợi, Phó Bí thư Đoàn thị trấn Quảng Phú cho biết: “Mỗi suất cơm, mỗi chiếc khẩu trang tuy giá trị không nhiều nhưng có ý nghĩa rất lớn với các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì chương trình được lâu nhất có thể, kinh phí huy động được nhiều thì ngoài khẩu trang, cơm sẽ phát thêm mì tôm và gạo, góp phần giúp người người dân giảm bớt khó khăn trong những ngày cùng cả nước chống lại dịch Covid-19”.

Theo ghi nhận, những ngày qua trên địa bàn huyện Cư M’gar đã có nhiều tổ chức, cá nhân có những hành động, hình ảnh đẹp chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch bệnh Covid-19 như: tặng dung dịch rửa tay khử khuẩn, nước rửa tay khô, xà phòng; phát cơm, khẩu trang miễn phí, tặng quà cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Theo thống kê, chỉ riêng các cơ sở Đoàn trong huyện đã huy động, kêu gọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ may được 25.120 chiếc khẩu trang, pha chế và cấp phát miễn phí gần 5.200 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn cho người dân; Hội LHPN huyện tuyên truyền, vận động các tập thể và cá nhân ủng hộ 510 tin nhắn đóng góp kinh phí phòng, chống dịch Covid-19, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện vận động ủng hộ tiền mặt được 400 triệu đồng, tặng trên 10.290 khẩu trang miễn phí và 300 chai nước sát khuẩn…

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.