Multimedia Đọc Báo in

Cải cách hành chính ngành BHXH - Hướng tới nền hành chính phục vụ

19:08, 18/05/2020

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính (TTHC), thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) với cơ quan BHXH.

Cắt giảm nhiều TTHC, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Theo Luật BHXH sửa đổi năm 2014, người lao động (NLĐ) có quyền được cấp và quản lý sổ BHXH. Do đó, doanh nghiệp không phải thực hiện lưu giữ, quản lý sổ BHXH cho NLĐ. Để triển khai thực hiện quy định này, từ tháng 10-2016, BHXH Việt Nam đã tiến hành rà soát và trả sổ BHXH cho NLĐ. Đến ngày 31-12-2018, ngành BHXH đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát và bàn giao 13,3 triệu sổ đến tận tay người lao động (đạt tỷ lệ 99,28% tổng số người lao động đang tham gia). Nhờ đó, từ tháng 1-2019 đến nay, 100% doanh nghiệp đã giảm được thời gian và nhân lực để cập nhật và lưu trữ sổ BHXH.

Đặc biệt, việc bàn giao sổ BHXH mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực như: NLĐ sẽ có đầy đủ thông tin về quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN của mình, đồng thời hàng năm được cơ quan BHXH gửi thông báo về mức đóng và thời gian tham gia bảo hiểm trong năm. Bên cạnh đó, NLĐ có thể tự tra cứu thông tin về quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN của mình trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam.

Chuyên viên của BHXH tỉnh đang đối chiếu thông tin của người tham gia BHYT trên hệ thống
Chuyên viên của BHXH tỉnh đang cập nhật thông tin thẻ BHYT của người tham gia trên hệ thống cơ sở dữ liệu. 

Không chỉ giảm thời gian, nhân lực trong việc quản lý sổ BHXH cho NLĐ, từ năm 2018, doanh nghiệp còn tiếp tục được “hưởng lợi” khi không phải rà soát, lập danh sách đề nghị đổi thẻ BHYT hằng năm cho NLĐ. Nếu như trước tháng 8-2017, doanh nghiệp phải tiến hành rà soát, lập danh sách đề nghị đổi thẻ BHYT hằng năm cho NLĐ thì từ tháng 9-2017 đến nay, BHXH Việt Nam đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung để quản lý thẻ BHYT, theo đó thẻ BHYT của NLĐ đang làm việc tại doanh nghiệp được cơ quan Trung tâm Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam gia hạn tự động. Những thay đổi này mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người sử dụng thẻ BHYT, đặc biệt doanh nghiệp được cắt giảm đáng kể thời gian thực hiện các thủ tục đề nghị gia hạn thẻ, nhận thẻ, chuyển thẻ BHYT đến từng NLĐ.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã rà soát, giản lược các tiêu chí cần kê khai trong TTHC “Đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BH tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT” và đơn giản hóa thành phần hồ sơ, thiết kế lại biểu mẫu kê khai giúp doanh nghiệp giảm thời gian cập nhật các thông tin đề nghị giải quyết các chế độ BHXH cho NLĐ. Những thay đổi này giúp doanh nghiệp giảm được thời gian kê khai lại các tiêu thức khác trong mẫu Tờ khai khi có thay đổi thông tin so với việc áp dụng quy định trước đó. Đồng thời tiết kiệm thời gian khi xử lý những công việc liên quan đến đề nghị giải quyết các chế độ bảo hiểm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong tháng cho người lao động.

“Đột phá” trong ứng dụng công nghệ thông tin

Từ năm 2017, ngành BHXH bắt đầu triển khai hình thức kê khai nộp BHXH qua giao dịch điện tử, giúp cho doanh nghiệp giảm được thời gian đi lại chờ đợi khi nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH. Theo đó, thời hạn nhận thông báo xác nhận hồ sơ giao dịch điện tử và thời gian chờ đợi chấp nhận việc hoàn tất hồ sơ đã được rút ngắn, chỉ còn trong tối đa 2 giờ trong ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ BHXH điện tử của tổ chức, cá nhân.

Hiện nay, với việc đẩy mạnh phát triển hệ thống tương tác đa phương tiện với người dân và doanh nghiệp, việc thực hiện thông báo về quá trình tiếp nhận và giải quyết TTHC của ngành BHXH đến người dân, doanh nghiệp ngày càng được rút ngắn về thời gian và đa dạng về hình thức như gửi thư điện tử, tin nhắn văn bản.

Đại lý thu BHXH, BHYT tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT
Đại lý thu BHXH, BHYT tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT

Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã chính thức nâng cấp và cung cấp miễn phí Phần mềm kê khai nộp BHXH (Phần mềm K- BHXH) lên phiên bản web để hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động và cá nhân tham gia giao dịch điện tử với cơ quan BHXH từ ngày 12-8-2019. Theo đó, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần sử dụng phương tiện điện tử có kết nối Internet là có thể thực hiện kê khai “Nộp BHXH” trực tuyến tại địa chỉ: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn. Cùng với đó là cho phép cá nhân thực hiện nộp hồ sơ đối với 8 TTHC liên quan đến giải quyết các chế độ BHXH qua giao dịch điện tử. Điều này giúp người dân có thể gửi yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính trực tiếp trên môi trường mạng, giảm thời gian đi lại, chờ đợi khi nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận “một cửa”.

Cùng với việc xây dựng các phần mềm nghiệp vụ bao phủ hầu hết các hoạt động của ngành, năm 2019, BHXH Việt Nam đã tiến thêm một bước trong việc tích hợp, liên thông các phần mềm nghiệp vụ nhằm kiểm tra, đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT với phần mềm xét duyệt hồ sơ hưởng và chi trả các chế độ BHXH, từ đó đã rút ngắn được thời hạn giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ. Đồng thời, việc đẩy mạnh chi trả qua tài khoản cá nhân của NLĐ đã góp phần giảm thời gian của doanh nghiệp và NLĐ khi doanh nghiệp nhận và trực tiếp chi trả các chế độ BHXH ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Đặc biệt, từ ngày 9-12-2019, BHXH Việt Nam đã tích hợp để thực hiện dịch vụ công cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (https://www.dichvucong.gov.vn)

Có thể thấy, với những nỗ lực của ngành BHXH trong việc đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng CNTT đã kịp thời tháo gỡ các rào cản trong giải quyết TTHC, tiết kiệm đáng kể chi phí, thời gian giao dịch cho doanh nghiệp, người dân với cơ quan BHXH, được Chính phủ và người dân ghi nhận, đánh giá cao. Thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện cải cách TTHC, tích hợp các dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết ở mức độ 3 và mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo lộ trình nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của ngành BHXH.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.