Multimedia Đọc Báo in

Không lơ là dù dịch bệnh tạm lắng

08:47, 07/05/2020

Dịch bệnh Covid-19 xảy ra đã làm xáo trộn sinh hoạt và ảnh hưởng tâm lý, thói quen của nhiều người. Cũng từ đây, mỗi người dân đã tìm cách thích ứng bằng cách điều chỉnh thói quen của mình, đồng thời tiếp tục đề cao cảnh giác trước nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, xu hướng ăn uống của gia đình chị Phạm Thị Trúc Ngân (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) thay đổi đáng kể. Trước đây, những khi bận rộn, gia đình chị thường ra ngoài hàng quán ăn uống. Dịch bệnh xảy ra, chị dành nhiều ưu tiên hơn cho việc mua đồ về nhà tự nấu nướng. Theo chị, việc hạn chế ra ngoài ăn uống, thay vào đó là nấu ăn tại nhà không chỉ giúp gia đình chị tiết kiệm được một khoản mà mọi người cũng quây quần gắn bó, dành thời gian bên nhau nhiều hơn. Mặc dù dịch bệnh đã tạm lắng, nhưng chị Ngân vẫn đề cao cảnh giác. Bên cạnh tiếp tục duy trì việc ăn uống tại nhà, chị chọn cách đặt hàng online thường xuyên hơn thay vì ngày nào cũng đến siêu thị, chợ để mua sắm như trước. Nếu có đến siêu thị, chị Ngân cũng tránh những giờ cao điểm mua sắm để hạn chế tiếp xúc đông người và ưu tiên chọn mua thực phẩm ở những gian hàng vắng khách.

Nhiều người cũng có  xu hướng đặt mua thực phẩm trên mạng hơn.
Nhiều người cũng có xu hướng đặt mua thực phẩm trên mạng hơn.

Đối với chị Đỗ Thị Phượng Linh (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột), những ngày giãn cách xã hội, chị càng nhận ra giá trị của sức khỏe bằng việc chăm chỉ tập thể dục, ăn uống, sinh hoạt điều độ hơn. Mặc dù đã hết thời gian giãn cách xã hội, nhưng chị Linh vẫn chủ động luyện tập tại nhà và thực hiện nghiêm các biện pháp hạn chế tiếp xúc đông người. Bởi theo chị, dịch bệnh đã tạm lắng xuống nhưng nguy cơ lây lan vẫn còn nên không thể lơ là, chủ quan.

Không chỉ ở thành thị, ý thức chủ động phòng, chống dịch bệnh của người dân các vùng nông thôn trong tỉnh cũng được nâng lên rõ rệt. Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều người dân đã nhanh chóng thay đổi nếp sống để thích nghi và duy trì thường xuyên các biện pháp phòng tránh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Chị Nguyễn Thị Hiền (xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) cho hay, từ khi có dịch đến nay, chị cũng như nhiều người khác phải thay đổi thói quen sinh hoạt để thực hiện nghiêm việc hạn chế tiếp xúc xã hội. Chị Hiền chia sẻ, ban đầu, chị thấy không quen và hơi khó chịu vì đặc thù sinh sống ở vùng nông thôn, hàng xóm hay qua lại nhà nhau chơi, chuyện trò, đi chợ có gặp nhau thì cũng dừng lại hỏi han vài ba câu. Tuy nhiên, được chính quyền tuyên truyền, nhắc nhở hạn chế tiếp xúc đông người, chị cũng như nhiều người khác tự ý thức chấp hành nhằm phòng, chống dịch bệnh lây lan. Vì thế, mọi người trong ngõ xóm đều hạn chế việc đến nhà nhau trong lúc này, mỗi ngày đi chợ chị đều để ý và chỉ đến mua thực phẩm vào lúc quầy sạp thưa khách, người bán có mang khẩu trang phòng dịch đàng hoàng.

Người dân chấp hành việc mang khẩu trang khi mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.
Người dân chấp hành việc mang khẩu trang khi mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Nói về vấn đề này, ông Y Wem Hwing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, trong công tác chống dịch trên địa bàn, khó khăn nhất là việc hạn chế tụ tập, tiếp xúc đông người bởi ở vùng nông thôn, người dân đã quá quen với việc thường xuyên qua lại nhà nhau, hàng xóm đến thăm nom, chơi nhà, nhất là trong các đám hiếu, hỉ, tang ma. Vì thế, chính quyền cơ cở và các đơn vị y tế đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được sự nguy hiểm của dịch bệnh và đề cao ý thức phòng tránh.

Hiện tại, địa phương vẫn đang tiếp tục nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm tránh tâm lý lơ là, chủ quan của người dân trong lúc dịch tạm lắng xuống. Từ khi hết thời gian giãn cách xã hội đến nay, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại các xã, thị trấn vẫn làm việc rất nghiêm túc, chú trọng tuyên truyền, quán triệt về cách thức phòng, chống dịch bệnh và theo dõi, kiểm soát việc chấp hành của người dân. Qua đó, đã nhận được sự phối hợp tích cực của mọi người.

Thực tế hiện nay trên địa bàn, nếu không có việc gì cần thiết thì người dân ai ở nhà nấy, ra đồng hay đi chợ gặp nhau thì gật đầu chào hỏi rồi việc ai nấy làm, không tụ họp để chuyện trò như lúc chưa xảy ra dịch. Trước đây ở địa phương, hầu hết việc mang khẩu trang chỉ được thực hiện ở phụ nữ, thì nay từ đàn ông đến người già, trẻ em đều nghiêm túc chấp hành việc mang khẩu trang phòng dịch mỗi khi ra ngoài...

Đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang được thực hiện tốt. Thế nhưng nguy cơ lây nhiễm vẫn còn cao nên người dân cần chủ động phòng tránh, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác để góp phần ngăn chặn dịch bệnh, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của dịch bệnh đến đời sống.

Duy Khôi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.