Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa yêu thương từ "ATM gạo nghĩa tình"

09:07, 04/05/2020

Xuất hiện đầu tiên tại TP. Buôn Ma Thuột, “ATM gạo nghĩa tình” phát gạo miễn phí cho người nghèo đến nay đã lan tỏa đến nhiều huyện, thị và những thôn, buôn vùng sâu trên địa bàn tỉnh. Chương trình đã giúp những người có hoàn cảnh khó khăn ấm lòng hơn trong mùa dịch.

Những ngày qua, tại huyện Krông Búk xuất hiện một chuyến xe đặc biệt - xe chở “ATM gạo”. Khác với “ATM gạo” cố định đầu tiên tại TP. Buôn Ma Thuột, "ATM gạo" ở đây lưu động theo từng ngày, di chuyển đến những thôn, buôn khó khăn của tất cả xã trên địa bàn huyện Krông Búk để phát gạo cho người nghèo. 

Phát gạo cho người dân tại huyện Krông Búk.
Phát gạo cho người dân tại huyện Krông Búk.

Anh Liêu Văn Thế, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Krông Búk cho biết, sau khi được Ban tổ chức Chương trình “ATM gạo nghĩa tình” (cấp tỉnh) hỗ trợ tiếp nhận mô hình “ATM gạo nghĩa tình”, Hội LHTN Việt Nam huyện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và vận động lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp thêm nhiều vật phẩm. Với thông điệp “Nếu bạn cần hãy đến lấy, nếu bạn có hãy cho”, chương trình được thực hiện hoàn toàn bằng kinh phí xã hội hóa thông qua sự chung tay của cả cộng đồng. 

Từ Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện cho đến các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm xa gần và nhân dân trên địa bàn … đều chung tay góp gạo, góp tiền để “ATM gạo” được “đầy” hơn. Qua đó đã vận động và quy đổi ra được hơn 15 tấn gạo để phát cho người nghèo. Hàng chục tình nguyện viên đã nhiệt tình hỗ trợ xuyên suốt hành trình, người tình nguyện lái xe chở “ATM gạo”, người phụ trách đóng gói, phát gạo cho người dân…

Ghi nhận tại điểm phát gạo buôn Dhia (xã Cư Né, huyện Krông Búk) vào ngày 24-4, từ sáng sớm, đoàn viên thanh niên cùng các chiến sĩ công an thuộc Đoàn cơ sở Công an huyện Krông Búk đã có mặt nhằm đảm bảo chương trình diễn ra thuận lợi nhất. Để tránh tụ tập đông người và gạo đến được đúng tay người cần nhận, Ban tổ chức chương trình đã phối hợp cùng chính quyền địa phương rà soát, phát phiếu nhận gạo cho người nghèo từ trước. Đúng 8 giờ, “ATM gạo nghĩa tình” có mặt, người dân được các tình nguyện viên hướng dẫn đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, duy trì khoảng cách 2 m. Mỗi người khi mang phiếu nhận đến sẽ được cung cấp 6 kg gạo, 1 chai nước rửa tay sát khuẩn và tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19…

Bên cạnh đó, những người có hoàn cảnh khó khăn khi đến “ATM gạo nghĩa tình” dù không có phiếu cũng sẽ được Ban tổ chức cấp gạo. Chưa kể, người dân đến nhận gạo nếu không có phương tiện di chuyển sẽ được đoàn viên thanh niên hỗ trợ đưa về nhà. Chị H’Mer Kpă (buôn Drao, xã Cư Né) phấn khởi chia sẻ, nghe trên tivi nói về “ATM gạo nghĩa tình” phát gạo miễn phí tại TP. Buôn Ma Thuột, nhưng nhà ở xa quá, không đi lên nhận được. Nay “ATM gạo nghĩa tình” đã vào đến tận buôn, chị và bà con ở đây tới nhận, có thêm gạo ăn trong nhiều ngày tới.

Đoàn viên  thanh niên  huyện Krông Ana hỗ trợ người dân  đến nhận gạo.
Đoàn viên thanh niên huyện Krông Ana hỗ trợ người dân đến nhận gạo.

Cùng với huyện Krông Búk, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như: Krông Pắc, Ea Súp, M’Đrắk, Ea H’leo… đã và đang triển khai mô hình “ATM gạo nghĩa tình” di động về tận buôn nghèo để phát gạo cùng nhu yếu phẩm và nhận được phản hồi tích cực của người dân và các cấp chính quyền. Đến thời điểm hiện tại, Chương trình “ATM gạo nghĩa tình” trên toàn tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ của các tổ chức, cá nhân hơn 120 tấn gạo cùng hàng nghìn nhu yếu phẩm khác như: mì tôm, trứng, rau sạch… để phát cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Có thể thấy, “ATM gạo nghĩa tình” đã và đang lan tỏa lối sống đẹp, tử tế trong cộng đồng góp phần thiết thực sẻ chia với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; là cầu nối, kết nối các tấm lòng thiện nguyện, các nhà hảo tâm với những hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ, động viên họ vượt lên hoàn cảnh.

Chương trình “ATM gạo nghĩa tình” do Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột và Công ty Du lịch Ngày mới tổ chức lần đầu tiên tại TP. Buôn Ma Thuột vào ngày 13-4. Để lan tỏa hành động đẹp, đưa gạo về với vùng sâu, đến nay Ban tổ chức chương trình đã hỗ trợ 10 đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp nhận và triển khai mô hình này gồm: thị xã Buôn Hồ, các huyện Krông Pắc, M’Đrắk, Ea H’leo, Krông Bông, Ea Súp, Krông Búk, Cư M’gar, Krông Ana và Lắk.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.