Multimedia Đọc Báo in

Chuyến tác nghiệp vào vùng bão

08:53, 26/06/2020

Mỗi chuyến về cơ sở luôn để lại trong tôi những câu chuyện về hành trình tác nghiệp, với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Và chuyến tác nghiệp của tôi vào vùng bão thuộc địa phận xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) vào tháng 8 năm ngoái là một kỷ niệm khó quên.

Còn nhớ, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và cơn bão số 3 vào tháng 8-2019, một đoạn đê bao ở xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) bị vỡ, nhấn chìm hàng nghìn héc-ta lúa của người dân nơi đây. Sáng 13-8, theo lịch làm việc đã hẹn trước với Huyện ủy Lắk, tôi chạy xe máy từ TP. Buôn Ma Thuột về địa bàn để thực hiện đề tài theo kế hoạch. Khi di chuyển qua khỏi địa bàn thành phố thì điện thoại reo lên: “Hoàng Tuyết em rảnh không, em xuống Quảng Điền ngay, đê bao vỡ rồi!”.

Phóng viên tác nghiệp tại khu vực đê vỡ thuộc xã Quảng Điền (huyện Krông Ana).
Phóng viên tác nghiệp tại khu vực đê vỡ thuộc xã Quảng Điền (huyện Krông Ana).

Đầu dây từ cơ sở tắt máy, theo phản xạ nghề nghiệp, tôi quay xe chạy một mạch để về huyện Krông Ana làm tin nóng. Vượt chặng đường hơn 40 km, tôi được người dân địa phương chỉ đến khu vực đê vỡ.

Thời điểm ấy, con đường nội đồng nối trung tâm xã Quảng Điền với cánh đồng Bàu Lạnh (hiện trường đê vỡ) đông nghịt người, mỗi người mỗi việc, tất cả đều tập trung cao độ vào nhiệm vụ cứu hộ đoạn đê. Đi dần về hiện trường đê vỡ, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một tuyến rào di động gồm lực lượng vũ trang, người dân tại chỗ dầm mình trong nước đã được hình thành để ngăn nước cứu đê.

Để kịp thời phản ánh thông tin thời sự, đồng thời không để “lọt” những hình ảnh trong khoảnh khắc về hành động đẹp của cán bộ, chiến sĩ, người dân địa phương, nhóm phóng viên chúng tôi tận dụng tối đa mọi phương tiện để tác nghiệp. Máy ảnh, điện thoại, ghi âm, sổ viết… được sử dụng hết công suất vào thời điểm đó.

Tin nóng nên không thể tác nghiệp theo kiểu truyền thống, khi ấy tôi phối hợp với một đồng nghiệp ở cơ quan, tại hiện trường tôi vừa gọi điện, vừa trao đổi thông tin, gửi hình ảnh qua Zalo, Facebook để đồng nghiệp ở nhà nhập văn bản. Nhờ đó, chỉ mấy phút có mặt tại hiện trường, thông tin về sự kiện đê vỡ đã nhanh chóng chuyển lên hệ thống Báo Đắk Lắk điện tử.

Sau khi hoàn thiện thông tin ban đầu là quá trình tác nghiệp ghi nhận những hình ảnh khẩn trương, hết mình của mọi người tham gia cứu hộ đê. Đó là những cán bộ, chiến sĩ của Ban Chỉ huy quân sự, Công an huyện Krông Ana, Công an xã Quảng Điền dầm mình dưới nước từ khi tiếp cận hiện trường. Hay đó là những người dân vác gỗ, sắt thép để cùng lực lượng vũ trang thực hiện chắn đê, chị em phụ nữ xã Quảng Điền cố gắng trao tận tay người cứu hộ từng chai nước, ổ bánh mì và những thực phẩm ăn nhanh khác…

Có chứng kiến tận mắt mới thấy được nỗi vất vả của những người tham gia cứu hộ đê lúc ấy, người dầm mình dưới nước thì da bạc thếch, môi tím bầm do lạnh, những người ở tuyến trên thì vã mồ hôi do nắng và phải di chuyển liên tục. Khi vị trí đê vỡ nước vẫn chảy ầm ầm, nét mặt ai cũng căng như dây đàn, nhưng tất cả đều thể hiện sự quyết tâm bằng mọi cách để cứu đê, vẫn thoăn thoắt tay chuyền tay những thanh gỗ, dây thép, đất đá vận chuyển không ngừng nghỉ đến vị trí đê vỡ, thực phẩm ăn nhanh vẫn được hậu phương liên tục tiếp tế.

Người dân địa phương vận chuyển vật liệu ngăn nước cứu đê bao Quảng Điền.
Người dân địa phương vận chuyển vật liệu ngăn nước cứu đê bao Quảng Điền.

12 giờ trưa, đoạn đê vẫn chưa được khắc phục triệt để, lực lượng chức năng, người dân tại chỗ và hàng chục phóng viên báo, đài vẫn bám trụ với hiện trường. Cũng như mọi người làm nhiệm vụ tại đây, bữa trưa của chúng tôi đơn giản chỉ là ổ bánh mì kẹp trứng, hay gói mì ăn liền pha vội để lót dạ chứ chẳng phóng viên nào có thời gian để tìm quán cơm. Sự kiện diễn biến tới đâu, thông tin nhanh chóng được chuyển tải tới đó, đó là những dòng tin nhanh, phóng sự ảnh, clip ghi nhận toàn bộ sự nỗ lực của mọi người tham gia cứu đê vào thời khắc "nước sôi lửa bỏng"...

Khi ánh đèn đường ở vùng lũ bật sáng, nhóm phóng viên chúng tôi mới thu xếp đồ nghề để lên đường trở về phố. Hình ảnh hàng nghìn hec-ta lúa bị nhấn chìm trong nước, bao nhiêu mồ hôi, công sức của người nông dân đổ ra chỉ mong chờ một mùa gặt bội thu đứng trước nguy cơ mất trắng khiến tôi trăn trở. Đó cũng là nguyên do thôi thúc tôi phải quay lại nơi đây để tiếp tục ghi nhận những thiệt hại do lũ, hay nỗ lực của lực lượng Công an, Quân đội địa phương cùng nhân dân chung tay cứu lúa. Một ngày ròng rã nơi hiện trường rốn lũ, thông tin kịp thời được truyền tải cho bạn đọc, dù mệt nhưng vẫn thấy vui vì bản thân đã nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và được hết mình theo đam mê với nghề báo. Những bản tin, bài viết được cơ quan thẩm định, chọn đăng tải và hơn hết được hàng ngàn lượt bạn đọc truy cập tìm đọc thông tin trên Báo Đắk Lắk điện tử… đó là niềm vui lớn nhất của bản thân sau chuyến tác nghiệp vào vùng bão hôm ấy cũng như hàng trăm chuyến về cơ sở qua hơn 10 năm gắn bó với nghề.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.