Multimedia Đọc Báo in

Niềm hạnh phúc của nhà báo

09:04, 26/06/2020

Mỗi tác phẩm báo chí được duyệt, đăng tải chính là thành quả của quá trình từ việc đi thực tế ở cơ sở đến khi hoàn thiện bản thảo của mỗi phóng viên. Điều trân quý hơn nữa đó là những phản hồi tích cực từ cơ sở qua mỗi cái tin, bài báo mang đến lợi ích thiết thực cho người dân.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề báo, cứ mỗi tin, bài được chọn đăng đều mang lại cho tôi những cung bậc cảm xúc khác nhau. Còn nhớ, đầu năm 2019 từ thông tin của người dân, tôi tìm hiểu tư liệu để thực hiện bài viết về những bất thường trong việc huy động tiền đóng góp xây dựng cơ sở vật chất của một trường học trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở nguồn tin, tôi liên hệ với lãnh đạo của trường học nọ để gặp, trao đổi trực tiếp. Khi tôi cùng một phóng viên báo khác đến làm việc, lãnh đạo trường vẫn một mực khẳng định rằng việc huy động của trường là đúng quy định và hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh.

Phóng viên một số cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh phỏng vấn cử tri huyện Lắk.
Phóng viên một số cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh phỏng vấn cử tri huyện Lắk.

Tuy nhiên, đó chỉ mới là thông tin từ một phía, bởi theo tìm hiểu, những trường hợp "tự nguyện đóng góp" này đều nằm trong danh sách gia đình của phụ huynh thuộc đối tượng được hưởng chế độ theo Nghị định 116/NĐ-CP, ngày 18-7-2016 của Chính phủ về hỗ trợ học sinh và trường THPT ở xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn.

Điều đó đồng nghĩa, việc huy động này không bình thường. Sau khi lấy ý kiến từ lãnh đạo trường, chúng tôi lần theo địa chỉ của một số gia đình “tự nguyện đóng góp” từ 1 - 2 triệu đến hàng chục triệu đồng để tìm hiểu căn cơ của vấn đề. Từ điểm trường tìm đến các gia đình quả thật gian nan, mới thấy được chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho những trường hợp này là rất cần thiết. Qua trò chuyện, các trường hợp "tự nguyện đóng góp” đều “bằng mặt chứ không bằng lòng”, bởi tất cả đều có hoàn cảnh rất khó khăn, một ki-lô-gam gạo cũng quý giá đối với họ. Sau khi nắm chắc tư liệu, đọc kỹ các văn bản liên quan, trong ngày hôm đó tôi “chắp bút” viết bài.

Bài viết đăng tải chỉ chưa đầy một ngày, bạn đọc, người dân đã gọi điện báo tin vui: “Nhà báo ơi, kế toán trường đã gọi điện chúng tôi đến nhận lại số tiền đóng góp rồi”. Chỉ một câu thông báo thôi, tôi rưng rưng nước mắt vì mừng, chia sẻ với niềm vui chung của hàng chục phụ huynh học sinh đã lấy lại được chế độ chính đáng của gia đình. Thêm nữa, lãnh đạo trường cũng có tinh thần cầu thị, biết sai, kịp thời khắc phục hậu quả và phê bình nghiêm túc đối với tập thể, cá nhân để xảy ra sự việc đáng tiếc này.

Các phóng viên cơ quan báo chí phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trung Thành về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương.      Ảnh: Kim Oanh
Các phóng viên cơ quan báo chí phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trung Thành về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương. Ảnh: Kim Oanh

Còn hồi tháng 5-2019, tôi tham gia cùng Minh Thông, Thùy Dung viết loạt bài “Loạn thị trường bất động sản”, phản ánh tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp và tự mở đường, phân lô, chia tách thửa diễn ra khá phức tạp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Tình trạng này không đơn thuần chỉ gây ra “sốt” đất trên địa bàn thành phố mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy như phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, tạo gánh nặng cho cơ quan quản lý nhà nước đối với việc giải quyết những vấn đề an sinh xã hội, hạ tầng đô thị, tiềm ẩn phát sinh mất an ninh trật tự… Sau khi bài viết đăng tải đã thu hút hàng chục nghìn lượt truy cập của bạn đọc và hàng trăm lượt chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Đáng mừng, ngay sau đó, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã ban hành văn bản chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng nêu trên, từng bước đưa thị trường bất động sản ổn định trở lại sau những cơn “sốt” đất, góp phần lập lại trật tự đô thị…

Những phản hồi kịp thời sau mỗi bài báo được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ, tạo được hiệu ứng tích cực đối với dư luận chính là động lực để mỗi phóng viên như chúng tôi tiếp tục cố gắng, cống hiến và đam mê với nghề.

Xuân Trường

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.