Multimedia Đọc Báo in

Chú trọng tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em cho học sinh

07:56, 13/07/2020

Trước tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em đang có xu hướng gia tăng cả về số vụ cũng như tính chất phức tạp, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã phối hợp tổ chức ngoại khóa, diễn đàn với chủ đề phòng, chống xâm hại trẻ em trong học đường. Qua đó, trang bị những kỹ năng, kiến thức về giới tính, giúp các em nhận diện và phòng ngừa, tự bảo vệ bản thân trước những hành vi xâm hại.

Trường THCS Thành Nhất (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) vừa phối hợp với Hội LHPN phường và Công an TP. Buôn Ma Thuột tổ chức chương trình “Truyền thông kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em, an toàn môi trường mạng cho trẻ em năm 2020” cho học sinh toàn trường. Với cách truyền đạt dễ hiểu, phù hợp, các báo cáo viên đã cung cấp cho các em những thông tin cơ bản về tình hình bạo lực học đường; tội phạm xâm hại trẻ em; cách phòng, chống loại tội phạm này, cách nhận diện, xác định đối tượng, nạn nhân…

Một tiết học kỹ năng phòng, chống xâm hại tại Trường THCS Hàm Nghi (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột).
Một tiết học kỹ năng phòng, chống xâm hại tại Trường THCS Hàm Nghi (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột).

Đặc biệt, một nội dung được giới thiệu khá kỹ cho các em là cách bảo vệ an toàn cho bản thân trên môi trường mạng Internet. Hiện nay, trẻ em sử dụng Internet khá phổ biến, nhưng do thiếu kiến thức và kỹ năng nên rất dễ bị lạm dụng, bóc lột…

Qua mạng Internet, các em dễ bị kẻ xấu thực hiện hành vi xâm hại bằng nhiều hình thức như gạ gẫm, tán tỉnh, lôi kéo tham gia quan hệ tình dục trực tiếp hoặc không trực tiếp, yêu cầu phô bày phần kín; có nguy cơ tiếp xúc với những video, thông tin, hình ảnh khiêu dâm hay sai lệch; bị dọa nạt, tống tiền, ép quan hệ tình dục, tham gia các hoạt động phi pháp; thậm chí có em đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc, buôn bán người...

Thực tế, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra trường hợp học sinh cấp THCS bị kẻ xấu dụ dỗ qua mạng Internet bỏ học trốn về thành phố, may mà gia đình phát hiện báo công an ngăn chặn kịp thời. Vì vậy, các em rất cần được chia sẻ, hướng dẫn về kỹ năng cũng như kiến thức sử dụng Internet an toàn. Nhất là khi dịp hè đang đến, các em có nhiều thời gian để sử dụng mạng Internet hoặc đi du lịch ở những chốn xa lạ, đông người… 

Cùng với việc được cung cấp kiến thức, tại buổi tuyên truyền, các em còn được trao đổi về những tình huống, kỹ năng xử lý và cách phòng tránh khi gặp nguy cơ bị xâm hại. Với cách dẫn dắt vấn đề khéo léo, báo cáo viên đã tạo tâm lý thoải mái cho học sinh mạnh dạn chia sẻ suy nghĩ, tâm tư và thẳng thắn nêu ý kiến về vấn đề xâm hại trẻ em. Em Nguyễn Thị Vân Anh (lớp 8B) cho biết, qua buổi tuyên truyền em và các bạn có thêm kiến thức pháp luật và kỹ năng tự bảo vệ mình khi có nguy cơ bị xâm hại; được trao đổi, giải đáp những vướng mắc về vấn đề này thông qua việc tham gia gameshow trả lời câu hỏi...

Các em học sinh Trường THCS Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) được hướng dẫn cách tự vệ khi bị xâm hại.
Các em học sinh Trường THCS Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) được hướng dẫn cách tự vệ khi bị xâm hại.

Trường THCS Hàm Nghi (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) có hơn 30% học sinh là người dân tộc thiểu số nên việc tuyên truyền nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng, chống xâm hại cho các em được nhà trường quan tâm thực hiện với những cách thức phù hợp. Trường chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể và phụ huynh học sinh đẩy mạnh việc chăm sóc, bảo vệ học sinh, trong đó chú trọng hướng dẫn các em nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân; xây dựng các mô hình tham vấn bảo vệ học sinh; thiết lập cơ chế trong trường học để học sinh báo cáo khi phát hiện các dấu hiệu, hành vi xâm hại trẻ em, hành vi bạo lực học đường nhằm có hướng điều tra, xử lý kịp thời. Trong bài giảng trên lớp, thầy cô khéo léo lồng ghép những câu chuyện về giới tính sao cho học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu. Nhờ vậy, các em có thêm những hiểu biết cơ bản về giới tính và cách phòng vệ, tránh bị xâm hại, tự tin hơn và biết cách ứng xử phù hợp khi gặp những tình huống bất trắc. Một học sinh lớp 9 tâm sự, trước đây em bị một thanh niên có ý đồ xâm hại, cố tình hỏi chuyện và có hành động sàm sỡ. Từ những kỹ năng được học em đã tìm cách thoát ra và báo lên thầy cô nhờ giúp đỡ...

Thực tế cho thấy, tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em trong trường học cần được tiếp tục đẩy mạnh với những hình thức phong phú, phù hợp với lứa tuổi, giúp các em biết cách bảo vệ bản thân, hình thành lối sống lành mạnh, an toàn trong môi trường học đường.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh phát hiện 27 vụ xâm hại trẻ em, tăng 7 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Hiện cơ quan cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố hình sự 20 vụ và 24 đối tượng; xử lý hành chính 3 vụ, 7 đối tượng và đang xác minh 4 vụ, 10 đối tượng.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.