Đô thị hóa và bài toán sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số (Kỳ 1)
“Cơn lốc” đô thị hóa không những khiến bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ có sự biến đổi, mà dưới góc nhìn sinh kế cũng đặt ra bài toán khá hóc búa, không dễ tìm ra lời giải trong một sớm, một chiều.
Kỳ 1: Nhận diện từ đời sống thực tế
Tốc độ đô thị hóa ở TP. Buôn Ma Thuột diễn ra mạnh mẽ đã tạo điều kiện và cơ hội cho cư dân ở đây tiếp cận, thụ hưởng nhiều lợi ích từ đời sống kinh tế - xã hội văn minh đem lại, nhưng cũng đã "tước mất" không ít sinh kế truyền thống của nhiều người, trong đó phần lớn là đồng bào DTTS tại chỗ.
Mất dần “điểm tựa”
Theo khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (ISEE), 3 điểm tựa quan trọng và thiết yếu của người DTTS ở đây (tự nhiên, cộng đồng, ngưỡng hành vi) đang bị đổ vỡ và mất dần trong đời sống hiện tại, nhất là ở những nơi có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ.
Dựa theo “khung lý thuyết” trên để đánh giá, nhìn nhận thì người DTTS trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã và đang mất đi quyền sở hữu truyền thống của họ đối với các nguồn lực tự nhiên do liên quan đến chính sách đất đai, chủ trương dịch chuyển, phân bổ lại lực lượng lao động cũng như cấu trúc dân cư theo thế xen cài tại hầu hết các buôn làng hiện tại. Sự thay đổi ấy đã khiến đời sống, sinh kế của họ gặp không ít khó khăn, đặc biệt là những hộ dân không sở hữu nhiều tài sản, đất đai để canh tác, sản xuất.
Biểu diễn cồng chiêng ở buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) phục vụ du khách. Ảnh: Hữu Hùng |
Ông Y Plao Buôn Krông, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Buôn Ma Thuột cho biết, bình quân một gia đình người DTTS tại 33 buôn, khu dân cư trên địa bàn thành phố có từ 3 – 5 sào đất nông nghiệp, chuyên trồng trọt các loại hoa màu như bí, ngô, khoai, sắn… đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho đời sống hằng ngày; ngoài ra họ không có nguồn thu nhập nào khác do nguồn lực, điều kiện tự nhiên không ngừng bị thu hẹp và cạn kiệt.
Những nếp nhà dài ở phố núi Buôn Ma Thuột. Ảnh: Huyền Nhung |
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Buôn Ma Thuột Y Plao Buôn Krông
|
Chẳng hạn như hệ thống sông, suối, đầm, hồ vốn có trên địa bàn – trước đây được xem là nguồn tài nguyên đáng kể giúp bà con kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống thông qua sinh kế truyền thống như đánh bắt thủy sản, nuôi trồng nhiều loại rau màu đặc hữu để bán ra thị trường thì nay không còn nguyên vẹn nữa, phần biến mất trước tốc độ đô thị hóa, phần do quyền sở hữu đã thay đổi (hoặc do nhà nước quản lý, hoặc cho các tổ chức, cá nhân thuê sản xuất và kinh doanh).
Tâm tư người trong cuộc
Nhiều hộ gia đình sinh sống quanh các hồ nước ngọt lớn nhất TP. Buôn Ma Thuột như Ea Kao, Kô Tam, Ea Nao tâm sự: Nguồn sống giờ đây của họ đã khác trước, do sinh kế vốn gắn bó với điều kiện tự nhiên kia không còn bảo đảm bởi những nguyên nhân như đã nêu.
Anh Y Bhil Kbur (buôn Ea Nao, xã Ea Tu) thổ lộ những khó khăn của gia đình mình, cũng như nhiều người khác cùng hoàn cảnh rằng gần 4 năm nay, thu nhập của gia đình trở nên sụt giảm và hết sức bấp bênh vì không duy trì được nguồn sinh kế như trước. Ví như khu vực hồ Ea Nao vốn là nguồn lợi to lớn về nhiều mặt của hàng trăm hộ dân ở đây, ngoài việc khai thác thủy sản, bà con còn dùng làm nơi chăn thả gia súc, gia cầm khá ổn định và hiệu quả. Từ năm 2016, khi khu du lịch sinh thái được một doanh nghiệp thuê mặt bằng để kinh doanh thì nguồn lợi trên biến mất. Đàn bò không có nơi chăn thả nên phải bán, hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản bị tranh giành, cấm đoán khiến công ăn, việc làm của nhiều người bị ảnh hưởng đáng kể.
Đánh bắt cá tại hồ Kô Tam là một trong những sinh kế của người dân tộc thiểu số tại chỗ. |
Nói về điều này, ông Y Plao chia sẻ thêm: Không riêng gì buôn Ea Nao, mà hầu hết các buôn làng khác cũng trong tình cảnh tương tự, đặc biệt là những buôn nằm trong lòng thành phố, sinh kế của đồng bào DTTS càng trở nên bức bách hơn. Mất đi quyền sở hữu các nguồn lực tự nhiên, nên người ta phải tìm sinh kế mới: bán hàng rong, mở cửa hiệu, phụ việc trong các lĩnh vực, ngành nghề khả dĩ. Tất nhiên, mọi công việc buộc họ phải tham gia để mưu sinh không thể ổn định và càng không thể bền vững, nếu như chính quyền địa phương cùng các cấp, ngành liên quan không đưa ra chương trình, giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết vấn đề sinh kế cho người DTTS hiện nay trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Tìm lời giải cho bài toán sinh kế
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc