Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực cải cách hành chính - Vì nhân dân phục vụ

05:11, 14/07/2020

Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) ở huyện Krông Năng đã có những chuyển biến tích cực, tạo được lòng tin đối với người dân.

Coi trọng sự hài lòng của người dân

Ai đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Krông Năng đều nhận thấy cung cách làm việc của các cán bộ, công chức nơi đây rất nghiêm túc, trách nhiệm, thái độ niềm nở. Điểm nổi bật của Bộ phận một cửa nơi đây là không gian rộng (khoảng 300 m2), thoáng đãng; các quy định về thủ tục hồ sơ, trình tự, thời gian, lệ phí giải quyết công việc đều được niêm yết công khai, minh bạch tại khu vực người dân dễ tiếp cận...

Cầm trên tay Giấy chứng minh nhân dân, chị Ma Thị Nhất ở thôn Giang Đại, xã Ea Púk vui vẻ cho biết: “Cách đây 10 ngày tôi đến làm thủ tục cấp đổi Giấy chứng minh nhân dân, được các cán bộ làm việc tại Bộ phận một cửa hướng dẫn tận tình, chu đáo về thủ tục, giấy tờ nên không gặp vướng mắc gì cả. Tới ngày hẹn, tôi bận chưa đến lấy kết quả được, cán bộ ở đây còn gọi điện thoại thông báo đến nhận”.

Cán bộ Công an huyện Krông Năng làm thủ tục để cấp lại Giấy chứng minh cho người dân.
Cán bộ Công an huyện Krông Năng làm thủ tục để cấp lại Giấy chứng minh cho người dân.

Chủ tịch UBND huyện Krông Năng Trương Hoài Anh cho biết, thực hiện Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh về đơn giản hóa thủ tục hành chính, những năm qua, UBND huyện Krông Năng đã xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức rà soát được nhiều thủ tục ở cấp xã và cấp huyện. Việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22-6-2007 của Thủ tướng Chính phủ được chỉ đạo triển khai nhanh chóng, đồng bộ đến tận cơ sở. Đến nay, UBND huyện và 100% các xã, thị trấn đều thực hiện theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, trong đó quy định cụ thể về các loại công việc được áp dụng giải quyết tại cấp huyện và cấp xã.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, tại các bộ phận một cửa, một cửa liên thông, đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp huyện đến xã đều được bố trí đủ số lượng, bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, công dân khi đến làm việc. Các loại giấy tờ, hồ sơ đưa đến đều được cán bộ, công chức bộ phận một cửa, một cửa liên thông nhanh chóng tiếp nhận, phân loại, thẩm định hồ sơ theo đúng quy định để chuyển đến các bộ phận chuyên môn giải quyết.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, huyện Krông Năng cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Đến nay 100% cán bộ, công chức, viên chức, UBND các xã, thị trấn, cơ quan chuyên môn đều có máy tính và sử dụng phần mềm iDesk, hạn chế sử dụng văn bản giấy; 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thư điện tử công vụ trong giải quyết công việc; tất cả các hồ sơ của cấp xã đều được triển khai qua hệ thống Igate. Theo đó, xã sẽ scan và gửi hồ sơ cho huyện, huyện chuyển đến các bộ phận chuyên trách để xử lý. Khi hồ sơ hoàn thành, cán bộ bộ phận một cửa của xã sẽ chủ động mang hồ sơ gốc nộp lưu chiểu theo quy định nên tiết kiệm tối đa chi phí, thời gian cho người dân cũng như cán bộ thực thi công vụ.

Đến nay, UBND huyện và 13/13 cơ quan chuyên môn đã sử dụng chữ ký số trên phần mềm quản lý văn bản và phần mềm dịch vụ tài chính công; UBND các xã, thị trấn hiện cũng đã sử dụng chữ ký số trong lĩnh vực khai báo thuế và bảo hiểm xã hội.

 Bên cạnh đó, từ tháng 1-2019, UBND huyện Krông Năng đã chính thức sử dụng ứng dụng Zalo để làm kênh tương tác giữa nhân dân với chính quyền huyện Krông Năng. Theo đó, song hành với việc truyền tải các thông tin liên quan đến tình hình kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng thì người dân cũng có thể trực tiếp phản ánh, kiến nghị các vấn đề liên quan thông qua địa chỉ Zalo “UBND HUYỆN KRÔNG NĂNG”. Trước đó, từ tháng 10-2017, UBND huyện Krông Năng đã triển khai đồng bộ hệ thống họp trực tuyến liên thông từ cấp xã đến huyện. Lãnh đạo và cán bộ chuyên môn cấp xã không phải đi lại như trước đây, vừa có thể họp trao đổi công việc với cấp huyện, vừa có thể giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân tại địa phương.

Người dân ghi tờ khai tại bàn chờ.
Người dân ghi tờ khai tại bàn chờ.

Nhờ có nhiều giải pháp đồng bộ, việc CCHC của UBND huyện Krông Năng đã đạt kết quả khả quan. Riêng năm 2019, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND huyện và UBND các xã, thị trấn đã giải quyết 100.379 hồ sơ (4.673 hồ sơ cấp huyện, 95.806 hồ sơ cấp xã), không có hồ sơ quá hạn. UBND huyện Krông Năng cũng là địa phương có sự bứt phá ngoạn mục khi chỉ số CCHC tăng liền 13 bậc so với năm 2016, vươn lên vị trí thứ 2 trong toàn tỉnh.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.