Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng với hàng si!

08:50, 09/08/2020
"Đồ siđa" là khái niệm dùng để gọi những mặt hàng quần áo đã qua sử dụng từ nước ngoài đưa về tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. 
 
Trên thị trường Đắk Lắk, "đồ siđa" có đủ chủng loại từ bình dân đến cao cấp. Trong đó, có quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện, mắt kính, đồng hồ, thắt lưng, thậm chí có cả thảm chùi chân, ga, mền, thú nhồi bông... đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách hàng.
 
Vì là đồ cũ nên "đồ siđa" thường có giá khá rẻ, từ vài nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Cũng có những món "đồ siđa" có thương hiệu có giá đến cả triệu đồng. Nhiều người vì tiết kiệm hoặc vì thích những món đồ “độc, lạ” mà bỏ qua những khuyến cáo về "đồ siđa" như nguy cơ tiềm ẩn những căn bệnh về da như viêm da, ghẻ, bệnh nấm candida… Và các cửa hàng chuyên kinh doanh "đồ siđa" vẫn mọc lên nhan nhản.
 
Theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP, ngày 20-11-2013 của Chính phủ, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, trong đó có hàng dệt may, giày dép, quần áo thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu. Riêng ở Đắk Lắk, mặc dù cấm nhập khẩu nhưng bằng nhiều thủ đoạn, các mặt hàng cũ, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng này vẫn có mặt ở nhiều nơi.
 
"Đồ siđa" sau khi nhập về được giặt, tẩy, “tân trang” lại như mới, bán nhan nhản trên thị trường. Thậm chí, những năm gần đây, nắm bắt tâm lý “sính ngoại” của một bộ phận người tiêu dùng, gian thương đã ồ ạt nhập "đồ siđa" về bán ra với giá cao gần bằng hàng chính hãng. 
 
Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk bắt xe vận chuyển 15 tấn quần áo đã qua sử dụng.
Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk bắt xe vận chuyển 15 tấn quần áo đã qua sử dụng.
Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk từng bắt quả tang, ngăn chặn những vụ vận chuyển với số lượng hàng hóa tịch thu hơn 20 tấn quần áo cũ đã qua sử dụng chuẩn bị tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, theo cơ quan chức năng, việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực này vẫn còn lúng túng bởi hiện nay vẫn chưa có quy định nào nêu rõ quy trình xử lý đối với mặt hàng này.
 
Trên thực tế, đã 7 năm trôi qua kể từ khi Nghị định 187/2013/NĐ-CP có hiệu lực, mặt hàng này vẫn bày bán công khai, tiêu thụ rộng rãi trong đời sống. Sự tồn tại của "đồ siđa" không chỉ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm bệnh tật cho người tiêu dùng mà đây cũng là môi trường thuận lợi để trà trộn hàng giả, kém chất lượng vào tiêu thụ. Hơn thế nữa, còn ảnh hưởng đến các ngành sản xuất trong nước.
 
Do đó, vấn đề quản lý "đồ siđa" đang trở nên cấp thiết, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là các lực lượng chức năng như: hải quan, quản lý thị trường. Về phía người tiêu dùng cũng nên có sự lựa chọn hợp lý hơn trong việc tiêu thụ "đồ siđa". Bởi chính việc trả tiền cho những món hàng cấm và biết đâu đó có trà trộn hàng giả, kém chất lượng với giá tiền gấp nhiều lần giá trị thật của món hàng đội mác là “hàng si tuyển - hàng hiệu giá rẻ” đang góp phần "tiếp tay" cho hoạt động buôn lậu hàng cấm về Việt Nam.
 
Trâm Anh
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.