Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác với "bẫy" văn bản trên mạng xã hội

15:29, 14/08/2020

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các quy định phòng chống dịch càng phải được thực hiện nghiêm, trong đó có quy định về việc đưa thông tin.

Sáng 13-8, Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La cho biết, trường hợp ông Đ.Q.P ở thôn 9, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Sars-CoV-2. Người đứng đầu ngành Y tế của tỉnh cũng khẳng định, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh không có ca mắc Covid-19 mới ngoài 3 bệnh nhân số 448, 601 và 602. Những bệnh nhân này đang được điều trị cách ly nghiêm ngặt và có những chuyển biến tốt về sức khỏe mà cơ quan chức năng đã công bố rõ ràng, giúp người dân yên tâm, tin tưởng chấp hành tốt các quy định phòng chống dịch bệnh.

a
Lực lượng thanh niên tình nguyện tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: V. Anh

Vậy nhưng từ 2 ngày qua, dư luận đã ồn ào, đồn đoán về trường hợp ông Đ.Q.P nói trên mắc Covid-19. Trên mạng xã hội đăng tải ảnh chụp bản báo cáo nhanh của trạm y tế nơi ông P. cư trú, nội dung báo cáo về việc ông P. trở về từ vùng dịch và có kết quả test nhanh dương tính với Sars-CoV-2 cùng lịch trình di chuyển rất phức tạp, tiếp xúc với nhiều người tại địa phương. Văn bản ghi ngày 11-8, không có con dấu, không có chữ ký, nhưng nội dung báo cáo khá cụ thể, có nhiều chi tiết trùng khớp với nội dung cơ quan chức năng công bố sáng nay, trừ nội dung dương tính với Sars-CoV-2, nên nhiều người vẫn nửa tin nửa ngờ.

Đây không phải là lần đầu những hình ảnh được cho là văn bản của cơ quan chức năng liên quan đến công tác phòng chống dịch bỗng nhiên xuất hiện trên mạng và được nhiều người quan tâm chia sẻ. Trong những ngày đầu bùng phát dịch, cơ quan chức năng đã vào cuộc rất khẩn trương, quyết liệt, nắm bắt, phân tích tình hình thấu đáo để kịp thời đưa ra những quyết sách đúng đắn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp, thông tin liên quan rất nhiều và biến động liên tục thì việc minh bạch, công khai thông tin là hết sức cần thiết, nhưng chọn lọc thông tin, cách thức và thời điểm công bố thông tin sao cho phù hợp, có tác dụng tích cực trong công tác phòng chống dịch là điều được cân nhắc kỹ lưỡng. Nhưng có những "văn bản" trước thời điểm được cơ quan chức năng công bố chính thức đã xuất hiện trên mạng và lan truyền với tốc độ nhanh chóng. Đơn cử như các văn bản công bố ca bệnh, văn bản về giãn cách xã hội; ngay cả bản danh sách những người đi cùng chuyến xe với bệnh nhân Covid-19 cần cách ly kèm theo địa chỉ, số điện thoại cụ thể phục vụ cho việc truy vết, khoanh vùng phòng chống lây lan… đều được đưa lên mạng.

Ai cũng muốn tiếp cận thông tin nhanh chóng, nên dễ bị mắc bẫy những thông tin được đưa dưới dạng văn bản trên mạng. Nhiều người chỉ nhìn về mặt thể thức, văn phong rồi vội vã chia sẻ mà không hề để ý là văn bản không có số, chữ ký, con dấu. Có thể đó không phải là tin giả, nhưng là thông tin chưa chính thức, là tin đang chờ kiểm chứng, văn bản đang chờ thẩm định, phê duyệt hoặc chỉ lưu hành nội bộ phục vụ cho nhiệm vụ đặc thù. Nếu đúng là có tình trạng này, thì những người không có thẩm quyền, tự ý đưa văn bản lên mạng cũng phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Còn người đọc, dù kiểu nào đi chăng nữa cũng cần hết sức cẩn trọng tránh vô tình tiếp tay phát tán thông tin chưa được kiểm chứng.

a
Lực lượng chức năng hướng dẫn, đưa công dân đến khu cách ly y tế tập trung. Ảnh: K. Oanh

Còn nhớ, trong đợt dịch lần trước, bên cạnh những trường hợp đưa tin giả, tin sai sự thật, có những trường hợp tùy tiện sao chụp, phát tán những thông tin nội bộ đang chờ kiểm chứng, phê duyệt đã bị cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các quy định phòng chống dịch càng phải được thực hiện nghiêm, trong đó có quy định về việc đưa thông tin.

Kim Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc