Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

06:01, 11/09/2020

Để giúp phụ nữ người dân tộc thiểu số (DTTS) cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều mô hình thiết thực hỗ trợ sinh kế, giúp chị em vươn lên ổn định cuộc sống.

Trên cơ sở các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế cho phụ nữ DTTS học tập, áp dụng và nhân rộng. Đơn cử như mô hình nuôi gà ri do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai cho phụ nữ DTTS tại TP. Buôn Ma Thuột từ năm 2019. Sau khi khảo sát, hộ chị H’Linh Ênuôl ở buôn Dhă Prông (xã Cư Êbur) và H’Jiuyn Êban ở buôn Ju (xã Ea Tu) đã được chọn để thực hiện mô hình. Mỗi hộ đã được hỗ trợ 300 con gà giống, thức ăn chăn nuôi và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật...

Hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số buôn Ju (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) được hỗ trợ con giống phát triển sản xuất.
Hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số buôn Ju (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) được hỗ trợ con giống phát triển sản xuất.

Khi tham gia mô hình, chị H’Linh Ênuôl đã đầu tư làm chuồng bằng nền xi măng, lót đệm bằng trấu và phun EM khử khuẩn; biết cách phối trộn thức ăn bằng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương; phòng và điều trị một số bệnh thông thường của gà... Theo chị H’Linh, mô hình nuôi rà ri có vốn đầu tư thấp, thời gian xoay vòng vốn nhanh lại tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có, tranh thủ thời gian nông nhàn nên phù hợp với điều kiện ở nông thôn. Sau 4 tháng, đàn gà của gia đình chị đạt tỷ lệ sống trên 99%, trọng lượng đạt trung bình 1,5 kg/con, giá bán 90.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi tháng gia đình chị có lợi nhuận 3,7 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi gà ri, nhiều chị em trong buôn đã đến học tập kỹ thuật, mua con giống và nhân rộng.

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có 7.517 hộ do phụ nữ làm chủ đã thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều.

Không chỉ tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, các cấp hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có gần 50.000 chị kinh tế khá giúp trên 30.000 chị kinh tế khó khăn về vốn, cây, con giống, ngày công... trị giá hơn 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp hội đã khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi và vốn từ các chương trình, dự án với tổng dư nợ trên 1.600 tỷ đồng cho trên 52.000 lượt hộ hội viên, phụ nữ vay, trong đó có gần 35.000 hộ phụ nữ DTTS; phối hợp tổ chức 42 lớp dạy nghề cho gần 1.200 lao động nữ DTTS.

Dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).
Dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).

 Căn cứ tình hình thực tế, Hội LHPN các địa phương đã chọn và hướng dẫn cho phụ nữ DTTS thành lập, duy trì các mô hình phát triển kinh tế mang hiệu quả cao như: “Tổ phụ nữ chăn nuôi bò chất lượng cao, bảo vệ môi trường”, “Tổ phụ nữ liên kết trồng cà phê năng suất, chất lượng cao”, “Phụ nữ dân tộc, tôn giáo giúp nhau làm kinh tế”, “Tổ phụ nữ trồng và chế biến tinh dầu sả”, “Tổ phụ nữ trồng cà tím”,  “Tổ vần công, đổi công”... Ngoài ra, từ nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, các cấp hội đã tạo động lực giúp phụ nữ DTTS phát triển các ngành nghề phù hợp, hiệu quả như: thu mua phế liệu, bán đồ ăn sáng, nước giải khát, tạp hóa, sản xuất đậu phụ, rượu cần, trồng rau thủy canh... Các tổ chức hội không chỉ vận động, kết nối nguồn lực tạo sinh kế cho hội viên mà còn phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, giám sát, giúp đỡ chị em trong quá trình triển khai thực hiện.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc