Multimedia Đọc Báo in

Bảo hiểm thất nghiệp: "Phao cứu sinh" cho người lao động

07:01, 28/10/2020

Những năm qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện tính nhân văn và trở thành cứu cánh giúp hàng nghìn người lao động giảm bớt khó khăn trước mắt khi mất việc làm, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát thời gian qua.

Trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 vừa qua, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều lao động đang làm việc ở các doanh nghiệp, khách sạn, công ty du lịch và đơn vị giao thông vận tải… phải nghỉ việc vì tình hình kinh tế doanh nghiệp gặp khó khăn. Không có nguồn thu nhập khiến cuộc sống của gia đình những lao động này thiếu thốn đủ bề. Trước tình hình đó, hầu hết các lao động đã được giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp để có nguồn kinh phí chi tiêu tạm thời trong khi chờ tìm việc mới.

 

Cán bộ BHXH tỉnh giải quyết các thủ tục hành chính liên quan cho người dân.
Cán bộ BHXH tỉnh giải quyết các thủ tục hành chính liên quan cho người dân.

 

Chị Nguyễn Thị Bích Thủy (TP. Buôn Ma Thuột) trước đây làm lễ tân tại Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam. Trong đợt dịch bệnh vừa qua, doanh nghiệp gặp khó khăn vì không có lượng khách đến buộc phải cho hầu hết lao động nghỉ việc tạm thời. Trước tình hình đó, chị Thủy được chủ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để cơ quan chức năng chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp với 8 tháng trợ cấp, số tiền được nhận mỗi tháng là 2,7 triệu đồng. Chị Thủy chia sẻ, trước khi nghỉ việc mức lương hằng tháng của chị nhận được khoảng trên 6 triệu đồng, đủ chi tiêu ăn uống trong gia đình. Số tiền bảo hiểm thất nghiệp tuy ít hơn, nhưng dù sao vẫn có khoản trang trải cuộc sống.

Tương tự, chị H’Ger Êban (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) cũng là lao động phải nghỉ việc do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, để giải quyết khó khăn trước mắt, chị đã thực hiện các thủ tục để hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, với gần 4 năm làm việc tại công ty du lịch, chị đã được Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh chi trả 3 tháng tiền bảo hiểm thất nghiệp với số tiền mỗi tháng nhận 2,1 triệu đồng. Với chị, số tiền này dù không nhiều nhưng cũng giúp gia đình có thêm chi phí sinh hoạt trong khi chờ doanh nghiệp ổn định và đi làm trở lại.

Để tạo thuận lợi cho người lao động không phải đi lại nhiều lần, BHXH tỉnh đã thực hiện chi trả qua thẻ ATM cho người nhận. Cùng với đó, cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thường xuyên liên hệ để trao đổi và nắm bắt thông tin với các lao động này để kịp thời hỗ trợ tìm kiếm việc làm hoặc đào tạo nghề cho họ.

Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, trong 9 tháng năm 2020, toàn tỉnh có 6.835 lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền đã chi trả gần 83 tỷ đồng, tăng trên 33% so với cùng kỳ năm 2019. Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH tỉnh) cho biết: “Sở dĩ số lao động thất nghiệp tăng cao hơn so với cùng kỳ là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Do đó, để tạo điều kiện cho người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn này, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với ngành lao động, thương binh và xã hội tạo thuận lợi nhất cho các lao động từ việc tiếp nhận đến chi trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp”.

 

Lao động làm việc tại Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam.
Lao động làm việc tại Khu du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Ko Tam.

 

Theo quy định, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể lao động đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp; sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Mức hưởng được tính bằng bình quân lương của 6 tháng liền kề. Nếu không nhận hoặc mới nhận trợ cấp thất nghiệp mà người lao động thông báo có việc làm mới thì việc nhận bảo hiểm thất nghiệp sẽ dừng lại và được cộng dồn bảo lưu.

Bên cạnh đó, người lao động còn được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng. Điều này một lần nữa càng khẳng định, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang dần đi vào cuộc sống và thực sự là "phao cứu sinh” hỗ trợ phần nào người lao động không may bị mất việc làm.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.