Multimedia Đọc Báo in

"Bí quyết" phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Cư Kuin

06:19, 08/12/2020

Năm 2020 dù bị tác động bởi dịch Covid-19, ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Cư Kuin vẫn tích cực đẩy mạnh các giải pháp thu hút người tham gia, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Năm nay là năm thứ ba anh Hồ Công Vĩnh (thôn 3, xã Ea Tiêu) tham gia BHXH tự nguyện, với số tiền đóng mỗi năm gần 1,5 triệu đồng. Anh chọn phương thức đóng 5 năm một lần, đóng đủ 10 năm sau đó sẽ đóng thêm một lần 10 năm cuối. Với gói bảo hiểm này, khi đến tuổi nghỉ hưu anh sẽ được nhận mức lương hưu gần 700.000 đồng/tháng. Anh Vĩnh là một tài xế xe khách đường dài, nguồn thu nhập của gia đình khá ổn định, song anh mới biết đến BHXH tự nguyện hơn 3 năm nay. Do đó, khi được tuyên truyền về quyền lợi thiết thực của BHXH, anh đã quyết định tham gia.

Anh chia sẻ, giờ còn có sức khỏe, còn lao động tốt thì thu nhập ổn định, chứ ít năm nữa sức khỏe yếu, không làm được nữa, nếu có lương hưu sẽ đỡ gánh nặng cho con cháu khi mình về già. Thấy được lợi ích BHXH tự nguyện đem lại trong tương lai, mới đây anh Vĩnh còn đăng ký cho vợ là chị Trần Thị Hồng cùng tham gia BHXH tự nguyện theo mức đóng hiện tại của anh.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội huyện Cư Kuin.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội huyện Cư Kuin.

Tương tự, vợ chồng bà Võ Thị Xuân (thôn 3, xã Ea Tiêu) là công nhân của một công ty cà phê nên có lương hưu, song các con của ông bà lại là lao động tự do, không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc nên bà khá lo lắng. Bà Xuân tâm sự, hai con của bà là Trần Trọng Dũng (SN 1989) và Trần Thị Kim Dung (SN 1991) làm nghề tự do có nguồn thu nhập khá cao nhưng không bền vững. Vì thế, bà đã tìm hiểu kỹ về BHXH tự nguyện từ mức đóng, hình thức đóng, đến các quyền lợi khi đến tuổi hưu trí và động viên các con tham gia như một hình thức bỏ ống để dành cho lúc tuổi già. Đặc biệt, hằng tháng bà Xuân đã trích tiền hỗ trợ hai con đóng BHXH tự nguyện với mức đóng gần 139.000 đồng/người/tháng. Bởi với bà, các con đều đã có gia đình riêng, cuộc sống khá ổn định nên thay vì cho con tiền, bà chọn cách đóng BHXH tự nguyện cho con như một cách giúp con chăm lo cuộc sống lúc về già.

Năm 2021, Bảo hiểm xã hội huyện Cư Kuin phấn đấu tăng thêm 500 người tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, chú trọng tập trung vận động các hộ kinh doanh, người buôn bán tại các chợ trên địa bàn huyện.

Ông Hồ Công Trinh (đại lý bảo hiểm tại huyện Cư Kuin) tiết lộ: “Là đại lý, tôi đã đọc hết cẩm nang về BHXH tự nguyện, sau đó tự soạn lại nội dung ngắn gọn, phù hợp cho việc tuyên truyền. Để người dân hiểu về chính sách bảo hiểm, tôi phải tư vấn nhiều lần, khi cảm thấy các quyền lợi thiết thực thì họ sẽ tìm đến đại lý. Mỗi lần tại thôn tổ chức các cuộc họp, tôi đều tranh thủ thời gian phát tờ rơi, tư vấn tại chỗ đối với người dân địa phương. Nhờ đó, trong 3 năm gần đây, đại lý luôn giữ ổn định khoảng 50 người tham gia BHXH tự nguyện”.

Đại lý BHXH đến tận nhà tư vấn các chính sách bảo hiểm cho người dân.
Đại lý BHXH đến tận nhà tư vấn các chính sách bảo hiểm cho người dân.

Được biết, huyện Cư Kuin là địa phương có tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện cao. Tính đến hết tháng 11-2020, toàn huyện có 880 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng 422 người so với cuối năm 2019), đạt 88% kế hoạch, BHXH huyện phấn đấu trong tháng 12-2020 sẽ đạt con số 1.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Để đạt được những kết quả này, cả hệ thống BHXH trên địa bàn huyện đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Ông Nguyễn Chí Xuân, Giám đốc BHXH huyện Cư Kuin chia sẻ “bí quyết”: Hằng năm đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, cụ thể hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH về giao chỉ tiêu phát triển tham gia BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng.

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, đối thoại với người dân về chính sách BHXH tự nguyện tại các thôn, buôn, cụm dân cư. Cùng với đó, mở rộng mạng lưới đại lý thu đến UBND các xã, điểm thu tại các thôn, buôn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia.

Song song với phát triển đối tượng tham gia, BHXH huyện thực hiện tốt công tác giải quyết chế độ cho người thụ hưởng, đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng dẫn người dân tham gia sử dụng BHXH số để tra cứu các tiện ích, minh bạch thông tin trong quá trình đóng, hưởng BHXH.

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.