Multimedia Đọc Báo in

45 năm ấy biết bao ân tình

20:46, 15/01/2021

Thời gian cứ âm thầm, lặng lẽ dần trôi. Mới đó mà đã 46 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Báo Đắk Lắk cũng đã hình thành, phát triển được 45 năm.

Khi đó các cơ quan khu V giải thể, cán bộ được tăng cường cho các tỉnh. Anh Nguyễn Văn Nhị là người của Ban Tuyên giáo khu V được điều động về Đắk Lắk xây dựng và tổ chức hoạt động của tờ báo quan trọng của tỉnh, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.

Khi chưa về trụ sở 220 Phan Bội Châu, TX. Buôn Ma Thuột, Báo còn ở chung địa điểm với Ty Văn hóa – Thông tin. Khi gặp nhau, tôi có nhận xét anh Nhị là người chân thành, cởi mở. Biết tôi đã ở Đắk Lắk từ trước giải phóng lại đang tập viết nên anh cũng quý tôi. Tình bạn kéo dài khi anh làm Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh cho đến khi anh về cõi vĩnh hằng còn dư vọng.

Ngày 15-1-1976, Báo Đắk Lắk chính thức thành lập. Tôi rất vui mừng, biết rằng mình có nơi để gửi bài vở (Hội Văn nghệ đến năm 1990 mới thành lập, tạp chí của Sở Văn hóa mỗi năm chỉ xuất bản 1 - 2 số).

Tôi là người chịu khó, tập viết nhiều thể loại, được Báo Đắk Lắk đăng tải nên Báo với tôi ngoài cái tình là cộng tác viên lâu năm còn là ân nghĩa.

Nhà thơ Hữu Chỉnh - đại diện cho các cộng tác viên tham dự buổi gặp mặt đóng góp ý kiến góp phần vào sự phát triển chung của tờ báo. Ảnh: H.Gia
Nhà thơ Hữu Chỉnh - đại diện cho các cộng tác viên đóng góp ý kiến góp phần vào sự phát triển chung của Báo Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia

Tôi được anh Nguyễn Văn Nhị thông báo là sẽ cấp thẻ Thông tín viên và mời đến Tòa soạn Báo ở 220 Phan Bội Châu chụp ảnh. Tôi mừng quá, đi bộ tới ngay (lúc đó tôi không có cả xe đạp). Ngày nhận thẻ, tôi vui đến không ngủ được. Thế là mình coi như là "nửa" nhà báo, cố làm tròn phận sự một thông tín viên. Báo cũng đề phòng những thông tín viên lợi dụng thẻ để làm việc không tốt nên chỉ cấp một đến hai năm rồi phải làm lại, cấp lại sau khi Ban Biên tập xem xét cụ thể việc làm của từng người.

Tôi cộng tác với Báo rất sớm. May mắn cho tôi được nhận giấy báo nhuận bút số 1 của Báo, cũng là bài thơ đầu tiên được in ở Báo Đắk Lắk: Bài “Đâu cũng quê hương” với dòng đề từ: “Tặng cô gái Thái Bình trên quê hương Đắk Lắk” đăng trên Báo Đắk Lắk số 6, còn nhuận bút là 1.800 đồng. Tôi theo đuổi đề tài xây dựng quê hương mới, mãi sau này mới viết được “Nghe quan họ trên cao nguyên”, “Huế giữa cao nguyên”… ca ngợi Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em, có lẽ là vùng đa văn hóa đứng đầu cả nước.

Tôi tập viết, thử sức nhiều thể loại. Từ tin ngắn đến bài dài, từ thơ đến truyện ngắn; từ ký đến tiểu luận phê bình. Mỗi dịp Tết đến lại viết tùy bút và câu đối. Thể loại nào cũng được Báo ưu ái.

Tôi biết ơn các thế hệ Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Nhị, Trương Minh Thắng, Nguyễn Văn Phú, Đinh Xuân Toản cùng các Phó Tổng Biên tập: Trần Toại, Nguyễn Thị Minh Thuận, Đinh Hữu Trường, Dương Thế Hoàn, Lê Quang Ánh và các biên tập viên đã tận tình để những đứa con tinh thần của tôi được vuông tròn.

Tôi biết ơn quý báo vì những dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng (21-6 hằng năm) đều có giấy mời tôi đến gặp mặt, chung vui mà không quên người đã mắt mờ, chân chậm, tay run vẫn "cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa".

Tôi rất thích, rất yêu tờ báo bởi các phóng viên đã lăn lộn với nghề nghiệp để phản ánh trung thực mọi mặt xã hội, nhất là nội tỉnh. Tôi hy vọng cả những cộng tác viên làm việc tại Tòa soạn trẻ trung, năng động. Đặc biệt các biên tập viên có tâm, có tầm giúp trau chuốt, nâng lên bài viết của tôi.

Không thể không nói đến lực lượng trình bày ma-két, từ dàn trang đến chọn ảnh phù hợp từng số để in ấn. Những người làm hậu cần lo báo biếu, kế toán, thủ quỹ trả nhuận bút. Tôi biết ơn tất cả.

45 năm một chặng đường, từ in chữ chì, mỗi tuần hai số, bây giờ ngoài các số thường kỳ còn số Cuối tuần, Nguyệt san và Báo Điện tử.

Báo đã lớn mạnh vượt bậc, đẹp và sang trọng là ấn tượng của tôi, xứng đáng là kênh thông tin vô cùng quan trọng, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk.…

Hữu Chỉnh (Nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.