Khắc khoải Tết giữa lòng đô thị
Nhiều người cho rằng, cuộc sống đô thị hiện đại và văn minh luôn mâu thuẫn và tách rời những giá trị truyền thống, mà điển hình là cái Tết ngày càng trở nên xa lạ với cộng đồng xã hội.
Điều này tưởng đơn giản, nhưng thực chất lại là vấn đề khúc mắc lớn, bởi đây là căn nguyên hiện tượng nhiều người cảm nhận “khắc khoải Tết ngay giữa lòng đô thị”.
Thậm chí câu hỏi cửa miệng của đa số người trước thềm xuân sang: “Nhà đã chuẩn bị Tết sao rồi”, lại bất giác trở thành tiếng thở dài mệt mỏi, dẫn ra hằng hà những ca thán than vãn, kể lể nhọc nhằn. Mệt mỏi đến mức không ít người cho rằng, nên bỏ Tết truyền thống đi cho “đỡ vướng víu”. Để rồi chính bản thân những người này lại luôn ngồi nhớ về “những cái Tết xưa” đầy thi vị lãng mạn và yêu thương...
Gốc rễ tâm hồn người Việt
Đã có không ít lý giải của các nhà chuyên môn, những nhà khảo cứu văn hóa về câu chuyện Tết, từ ngôn ngữ “từ Tết được gọi trại từ âm Tiết mà ra”, đến văn hóa xã hội “Tết là thời khắc thiên nhiên biến cải, chuyển đổi vận hành âm dương, lặp lại một vòng nông lịch”…
Chung quy các ý kiến ấy, ngày Tết là mốc đánh dấu của cha ông ta theo nông lịch Đông phương, vận theo mùa trăng và khí tiết trời đất, để kết thúc chặng tuần hoàn này của tự nhiên và mở ra chặng tuần hoàn mới. Một cách khoa học, các nhà nghiên cứu theo dõi quy luật tự nhiên ấy và chọn ngày khởi đầu chu kỳ lặp lại là ngày Tết. Một số nhà nghiên cứu tâm lý xã hội còn nhận xét, Tết như “ngày sinh nhật chung” của cả dân tộc, chốt mốc hoạt động năm cũ, khai mở năm mới, qua đó mỗi người có cơ hội nhìn lại một chặng đường đi qua, xét lại kết quả mà tu chỉnh chính mình.
Những đứa trẻ nơi đô thị hóa học gói bánh chưng ngày Tết. Ảnh: N.Sơn |
Ngày Tết, bởi vậy đã là ngày lễ truyền thống quan trọng của dân tộc Việt, đi vào tâm thức văn hóa xã hội hàng ngàn năm. Mỗi dịp xuân về, mỗi gia đình, mỗi cá nhân lại rộn ràng đón năm mới. Tết là ngày hội ghi mốc hạnh phúc mỗi người, mỗi nhà, ngày tri ân tổ tiên ông bà trong văn hóa Việt, sau một năm dài đằng đẵng những lo toan.
Cuộc sống hiện đại, xã hội Việt Nam hội nhập quốc tế, lịch Tây phương được áp dụng trong chế độ làm việc, thời khắc tâm lý xã hội đã dần thay đổi. Đặc biệt ở những đô thị lớn, hiện đại, nếp sống sinh hoạt đi theo trật tự mới, khác cung cách làng xã truyền thống. Không gian sống chật chội, điều kiện sinh hoạt khắt khe, khiến con người cảm thấy bận rộn, bị dồn nén, cơ hội và khả năng giữ gìn những cung cách truyền thống cũ không nhiều nữa. Tết trở thành thời điểm thể hiện rõ nét mâu thuẫn cuộc sống này, sự giằng co giữa ý thức bảo toàn gốc rễ truyền thống và tâm lý cách tân thay đổi, muốn sáp nhập cái mới, đầy đủ hiện đại hơn.
Ngóng xưa vọng nay đầy xao xuyến!
Trong những ngày cận Tết này, mỗi con người Việt sẽ cảm nhận rõ hơn sự mâu thuẫn trong tâm lý của mình. Đa số mọi người luôn tỏ sự so sánh đầy luyến tiếc về một không gian Tết truyền thống, và thất vọng với nhịp sống hiện hữu của mình, một không gian đời sống “không có Tết”.
Mới đây, những biên tập viên Đài truyền hình Đà Nẵng chia sẻ trên mạng xã hội, họ cần tìm một khu dân cư, xóm lao động tổ chức nấu bánh chưng bánh tét truyền thống để quay chương trình chào năm mới. Song việc đó thật sự khó, vì ở đô thị lớn như Đà Nẵng, hình ảnh những nồi bánh chưng quây quần các thế hệ trong gia đình đã không còn duy trì nữa. Mỗi người ở đô thị có thói quen mua sẵn thức ăn vật dụng ngày Tết tại chợ, tại các cửa hàng siêu thị, một cách hối hả và “công nghiệp hóa”. Kể cả muốn nấu bánh chưng, làm bánh thuẫn…, họ cũng không tìm được đâu ra không gian và điều kiện bếp núc, củi lửa để thực thi.
Thế là, một cách tự nhiên, hình ảnh Tết xưa trở thành câu chuyện hoài niệm, ước ao của mỗi người nơi đô thị. Họ luôn nhớ lại những ngày xa xôi, khi cuộc sống còn khó khăn, nhưng Tết luôn là ngày vui. Sau một năm lao động vất vả, nhà nhà, người người đón Tết, đều có thời gian chuẩn bị chu đáo. Nào là sửa sang nhà cửa, nào là dọn dẹp vật dụng, phụ nữ chuẩn bị thức ăn bánh trái, nam giới thực hiện nghi thức bài trí bàn thờ tổ tiên...
Nấu bánh chưng ngày Tết ở làng quê. Ảnh: N.Sơn |
Như muốn xóa bỏ tâm lý mâu thuẫn ấy, nhiều người lựa chọn “buông bỏ”, ngày Tết được coi là kỳ nghỉ, cả nhà đóng cửa đi du lịch xa, không còn tiết lễ truyền thống đón ông bà. Lựa chọn này đang lan tỏa ở nhiều đô thị lớn. Song bất ngờ, năm 2020 với diễn biến dịch bệnh Covid-19 toàn cầu, đã tạo tác động ngược, khiến nhiều người lúng túng khi không thể ra khỏi nhà mùa Tết, để họ tự nhiên phải quay về cung cách truyền thống, đón Tết tại gia và lần hồi muốn có lại khoảnh khắc đón xuân sang trong nếp nhà xưa cũ. Mâu thuẫn tâm lý đô thị - nông thôn bởi thế càng khắc sâu trong mỗi gia đình!
Và trong những ngày này, khi hoa mai đã bắt đầu hé nở trong vườn nhà, ai ai cũng cảm nhận được sự khác biệt thần kỳ mà tự nhiên đem đến giữa khí tiết, không gian trời đất, thì câu chuyện Tết xưa càng khắc khoải. Những dòng người, dòng xe lại từ từ quay về quê nhà, bỏ lại sau lưng đô thị vắng vẻ ngày xuân sang. Phải chăng thái độ sống của mỗi con người đô thị, nên có sự thay đổi cần thiết để hài hòa hơn, dung hợp được cũ và mới, truyền thống và hiện đại, tiết lễ gia nghi và giao tế xã hội, trong mỗi ngày sắp đến? Có vậy, ngày Tết mới không trở thành nỗi buồn lặng lẽ cho mỗi nếp nhà đô thị hóa, lạnh buồn ngắm cảnh xuân sang?
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc