Multimedia Đọc Báo in

"Nóng" bệnh tiêu chảy ở vùng dân di cư tự phát

08:28, 27/01/2021

Dù chính quyền địa phương, các ngành chức năng của huyện Ea Súp đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, nhưng sự chủ quan, nếp sống không phù hợp… ở những vùng dân di cự tự phát nên bệnh tiêu chảy cấp vẫn có "đất sống" và nghiêm trọng hơn mới đây những nơi này đã có bệnh nhân đầu tiên tử vong.

"Bị tiêu chảy… uống nước gạo vài hôm là khỏi"!

Cụm 9 (xã Cư Kbang) là vùng định cư mới của đồng bào Mông di cư tự phát từ các tỉnh phía Bắc vào đã được công nhận từ năm 2010. Dù số ca mắc tiêu chảy cấp ở đây đang tăng từng ngày, nhưng cuộc sống của người dân vẫn như trước đó. Những căn nhà gỗ tuềnh toàng đóng kín cửa, người lớn trong cụm đều đi làm chỉ còn trẻ con ở nhà. Cụm 9 có 103 hộ, với 638 nhân khẩu, nhưng chỉ có 26 giếng khoan và 3 công trình cấp nước tập trung. Gọi là công trình cấp nước tập trung nhưng cũng chỉ là những bể chứa nước chưa qua xử lý được bơm từ giếng khoan lên.

Một công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở cụm 9 (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp).
Một công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở cụm 9 (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp).

Ngay khi có ca tử vong do bệnh tiêu chảy cấp ở cụm 10 (cách cụm 9 khoảng 500 m) vào ngày 7-1, Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh tiêu chảy cấp xã của Cư Kbang đã xuống địa bàn triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy, thông tin về số ca mắc bệnh và tuyên truyền rộng rãi đến người dân trong cụm. Tuy nhiên, phải đến tối 17-1, cụm 9 mới có thể họp dân vì đa số người dân đều đi làm thuê, có nhiều hộ lên rẫy đến bốn ngày mới về. “Hằng năm, chính quyền địa phương và cán bộ Trạm Y tế xã đều truyền thông về “ăn chín, uống sôi”; nhắc nhở thường xuyên dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà; làm hố xí hợp vệ sinh… nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn nên người dân chỉ mãi tập trung lo làm ăn mà chưa chú trọng đến môi trường sống. Nhiều gia đình còn tận dụng khu vực bếp vừa làm nơi nấu ăn, vừa làm khu nuôi nhốt gia súc, gia cầm…”, ông Hoàng Văn Cầu, Trưởng cụm 9 cho hay.

“Do trình độ dân trí thấp, nhiều người dân di cư không biết tiếng phổ thông nên việc phổ biến kiến thức, truyền thông pháp luật, chăm sóc sức khỏe… hiệu quả chưa cao, mãi luẩn quẩn với bệnh tật, đói nghèo”.
 Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Cư Kbang

Rời cụm 9, chúng tôi đến thôn 14 - nơi chiếm hơn 50% ca mắc bệnh tiêu chảy cấp của huyện Ea Súp. Đi từ đầu thôn đến cuối thôn, phải khó khăn lắm mới tìm được một vài người biết tiếng phổ thông, khi được hỏi về bệnh tiêu chảy cấp, một cụ ông trả lời: “Bệnh này cho uống nước gạo một vài hôm là khỏi, lúc còn ở ngoài Bắc tôi vẫn hay chữa như vậy, không sao!”.

Mãi luẩn quẩn với bệnh tật

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Cư Kbang cho biết, ngoài các cụm 8, 9, 10 mới thành lập, thì các thôn 14, 15… tuy dân cư đã cơ bản ổn định nhưng vẫn khó kiểm soát tình trạng người dân “đến không khai, đi không báo”. Ngoài những khó khăn như: chỗ ở, hộ khẩu, đất sản xuất, chuyện học hành của trẻ nhỏ… thì ốm đau, bệnh tật trở thành vấn đề nan giải cho chính quyền địa phương.

Theo ghi nhận của Trung tâm Y tế huyện, những năm gần đây, xã Cư Kbang là địa bàn ghi nhận số ca mắc bệnh tiêu chảy cao nhất huyện Ea Súp. Năm 2019, xã có 96 trường hợp mắc bệnh; năm 2020 là 144 trường hợp và đến ngày 25-1-2021 đã ghi nhận 81 trường hợp, tập trung tại các vùng dân di cư tự phát như: cụm 8, 9, 10 và các thôn 11, 13, 14… Nghiêm trọng hơn, có một trường hợp trẻ 9 tháng tuổi tử vong tại cụm 10.

Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa xác định được nguồn bệnh, trước mắt UBND xã Cư Kbang chỉ đạo Trạm Y tế xã tiếp tục phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tiến hành phun hóa chất Cloramin B khử khuẩn môi trường xung quanh cho các hộ có người mắc bệnh và các gia đình lân cận, nhưng đa số nhà ở đây là nền đất, bụi, do đó khử khuẩn môi trường giống như mang muối bỏ bể. Bên cạnh đó, dù các tổ chức đoàn thể đã đẩy mạnh tuyên truyền, dán các khẩu hiệu “ăn chín, uống sôi” ở trường học, điểm lấy nước sinh hoạt chung… nhưng hiệu quả không cao vì trong các cụm, thôn chỉ còn lại đa số trẻ nhỏ.

Nhân viên Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên lấy mẫu xét nghiệm bệnh tiêu chảy tại cụm 10 (xã Cư Kbang). Ảnh: Nhất Quang
Nhân viên Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên lấy mẫu xét nghiệm bệnh tiêu chảy tại cụm 10 (xã Cư Kbang). Ảnh: Nhất Quang

Bác sĩ Nguyễn Viết Hữu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, bệnh tiêu chảy cấp trên địa bàn huyện Ea Súp đã ghi nhận 106 ca mắc bệnh, ngoại trừ ca tử vong, các bệnh nhân hiện đang điều trị tại bệnh viện đều ở tình trạng mất nước độ A, B, tỷ lệ mất nước độ C rất ít và được điều trị theo phác đồ. Liên quan đến ca tử vong, bác sĩ Hữu cho biết thêm: theo điều tra dịch tễ cho thấy, bệnh nhân mới 9 tháng tuổi, có những dấu hiệu mắc tiêu chảy cấp từ ngày 1-1, tuy nhiên gia đình chưa nhận thức được mức nguy hiểm nên tự điều trị ở nhà, sau đó còn đem con đi thầy cúng. Đến ngày 7-1, khi bệnh chuyển nặng mới đưa đến Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Súp để can thiệp thì không kịp. Từ những nguyên nhân này đã khiến cho số người mắc bệnh tiêu chảy cấp tăng đột biến.

Cũng theo bác sĩ Hữu, không chỉ riêng xã cư Cư Kbang, mà ở các tiểu khu: 286, 295, 296 (xã Cư Mlan), tiêu chảy là bệnh thường gặp, năm nào cũng có. Bởi điều kiện sinh hoạt kém, như: nguồn nước tích cóp nhiều ngày, nhà vệ sinh không có, đáng quan ngại là nhiều gia đình vẫn còn đưa người bệnh đến thầy cúng để chữa trị.

Hoàng Ân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.