Multimedia Đọc Báo in

Sẻ chia những giọt máu hồng

09:20, 24/01/2021

Sau cuộc điện thoại lúc đêm khuya của thủ trưởng cơ quan, hàng chục chiến sĩ công an tập hợp bên xe máy. Trong đêm tối tĩnh lặng, các chiến sĩ đi thẳng đến bệnh viện, nơi có bệnh nhân đang ở ngưỡng cửa sinh tử cần được truyền máu…

“Có phải đồng chí An, công tác tại Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh không ạ? Người thân của tôi đang trong tình trạng nguy kịch, rất cần tiểu cầu, máu thuộc nhóm AB… nhưng bệnh viện hết nhóm máu này. Anh có thể giúp tôi được không?” là nội dung một trong nhiều cuộc gọi khẩn đến điện thoại của Trung tá Nguyễn Công An, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) – Phòng CSCĐ Công an tỉnh.

Thường thì Trung tá An chỉ kịp hỏi địa chỉ, tình trạng và ngay lập tức huy động các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đến bệnh viện hiến máu. Anh chia sẻ: “Khi người dân gọi đến tôi là lúc họ cần chúng tôi nhất, không còn biết tìm ai. Đa số các cuộc gọi cần máu thường vào ban đêm. Nhiều năm nay, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn tâm niệm hiến máu là một niềm hạnh phúc, có ý nghĩa nhân văn nên ai cũng nhiệt tình tham gia. Khi bệnh viện hay những trường hợp cần máu gấp, các chiến sĩ sẵn sàng đến hiến bất kể ngày hay đêm”. Trung tá An còn lưu trong điện thoại một danh sách về nhóm máu của anh em chiến sĩ để tận dụng thời gian nhanh nhất trong trường hợp cần máu khẩn cấp.

Thượng úy Nguyễn Thành Công trong một lần tham gia hiến máu nhân đạo. Ả
Thượng úy Nguyễn Thành Công trong một lần tham gia hiến máu nhân đạo.

Các cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSCĐ là những thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ (CLB) “Giọt hồng” Công an tỉnh được thành lập từ năm 2011. CLB hiện có hơn 300 thành viên; chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ CSCĐ và Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ. Ngoài những giờ tuần tra, các chiến sĩ công an còn sẵn sàng sẻ chia những giọt máu hồng, góp phần giúp nhiều bệnh nhân qua cơn hiểm nghèo.

Các cán bộ, chiến sĩ đều xem hiến máu cứu người là nhiệm vụ thiêng liêng; trong đó có nhiều chiến sĩ đã tham gia hiến máu rất nhiều lần. Tiêu biểu như Thượng úy Nguyễn Thành Công ở Trung đội Cảnh sát đặc nhiệm thuộc Tiểu đoàn CSCĐ (Phòng CSCĐ Công an tỉnh). Năm 2020, Thượng úy Công là một trong 27 gương thanh niên sống đẹp được Trung ương Hội LHTN Việt Nam vinh danh tại chương trình kỷ niệm 64 năm Ngày Truyền thống Hội LHTN Việt Nam và trao Giải thưởng “15 tháng 10”, Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp”. Anh bắt đầu tham gia hiến máu tình nguyện khi còn đi nghĩa vụ tại Công an huyện Ea H’leo, đến nay đã hơn 30 lần hiến máu tình nguyện, trong đó nhiều lần anh hiến máu trực tiếp cho bệnh nhân cấp cứu ở tình trạng nguy kịch. Anh còn tích cực tuyên truyền vận động người thân, bạn bè cùng tham gia hiến máu.

Hay như Trung sĩ Y An Mlô công tác tại Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ số 1 (Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Cứu nạn cứu hộ) luôn xem mỗi lần hiến máu là niềm vui vì đã làm được việc ý nghĩa. Bên cạnh hoạt động hiến máu nhân đạo, Y An còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Tuổi đời còn khá trẻ nhưng Trung sĩ Hứa Xuân Hoàng (Phòng CSCĐ Công an tỉnh) đã có 2 lần hiến máu trực tiếp và hiện là thành viên tích cực trong phong trào vận động hiến máu tình nguyện.

Thượng úy Nguyễn Thành Công và Trung sĩ Hứa Xuân Hoàng chuẩn bị đi tuần tra.
Thượng úy Nguyễn Thành Công và Trung sĩ Hứa Xuân Hoàng chuẩn bị đi tuần tra.

Trong 10 năm qua, đã có hàng trăm bệnh nhân được cứu sống nhờ được các thành viên CLB “Giọt hồng” hiến máu kịp thời. Như trường hợp người thân của chị Nguyễn Thị Thanh (ở huyện Cư M’gar). Chị Thanh cảm kích kể lại: “Giữa tháng 9-2019, chị gái tôi bị băng huyết, cần truyền máu gấp. Người thân trong gia đình đã xét nghiệm máu nhưng không ai đủ điều kiện hiến. Khi được bác sĩ cho biết Tiểu đoàn CSCĐ có nhiều cán bộ, chiến sĩ tham gia hiến máu cứu người trong trường hợp khẩn cấp nên tôi đã gọi điện. Ngay lập tức các anh đã có mặt kịp thời hiến tặng những giọt máu vô giá. Nhờ đó cả hai mẹ con chị tôi đã được cứu sống, bình phục”.

Võ Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.