Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu"

05:50, 26/02/2021

Những năm qua, phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” đã trở thành động lực thúc đẩy, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần sáng tạo, vượt khó vươn lên của cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Krông Ana, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Xác định giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững là nội dung trọng tâm, các cấp hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên gương mẫu thực hiện tốt phong trào thi đua "CCB sản xuất, kinh doanh giỏi"; tạo điều kiện giúp cán bộ, hội viên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, Hội còn vận động cán bộ, hội viên trợ lực, giúp đỡ nhau. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, các cấp hội đã huy động Quỹ Nghĩa tình đồng đội gần 3,7 tỷ đồng để xây dựng nhà Tình nghĩa, trao tặng sổ tiết kiệm, giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần tiếp sức cho những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.

Cán bộ Hội CCB huyện Krông Ana tham quan mô hình sản xuất của CCB thị trấn Buôn Trấp.  
Cán bộ Hội CCB huyện Krông Ana tham quan mô hình sản xuất của CCB thị trấn Buôn Trấp.
Qua phân loại hằng năm, Hội CCB huyện Krông Ana có trên 95% gia đình hội viên đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Năm 2020, Hội vinh dự nhận Cờ thi đua của Trung ương Hội CCB Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “CCB gương mẫu”.

Nhờ sự đồng hành của tổ chức hội, đã có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh của CCB mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một trong số đó phải kể đến ông Nguyễn Nhật Ngoạn, hội viên Hội CCB thôn Quỳnh Tân 1 (thị trấn Buôn Trấp). Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, năm 2012 ông Ngoạn quyết định bán 1,2 ha đất rẫy trồng cà phê cho năng suất thấp để xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo. Gặp nhiều khó khăn ban đầu do chưa có kinh nghiệm, ông tích cực học hỏi kỹ thuật từ sách, báo và tham quan nhiều trang trại trong và ngoài tỉnh; đồng thời vay thêm vốn xây dựng chuồng trại có hệ thống ăn uống, máng tắm tự động, trong chuồng được đặt nhiệt kế, hệ thống điện thắp sáng, sấy ấm. Hệ thống xử lý chất thải được xây dựng riêng, bảo đảm tiêu chuẩn, kỹ thuật để không gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, trang trại của ông mỗi năm xuất bán 2 lứa heo, mỗi lứa từ 500 – 600 con heo siêu nạc, cho thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Nhiều CCB không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn tích cực hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Tiêu biểu như tấm gương ông Hán Vinh Hà, Chi hội trưởng CCB thôn Sơn Trà (xã Bình Hòa) với mô hình kinh tế tổng hợp đã giải quyết việc làm cho 10 lao động tại địa phương; hay ông Phạm Tấn Cương ở thôn 2 (thị trấn Buôn Trấp) với mô hình VAC cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, thường xuyên ủng hộ kinh phí để làm đường giao thông, xây dựng các công trình nông thôn tại địa phương…

 

Mô hình sản xuất của gia đình cựu chiến binh Hán Vinh Hà (xã Bình Hòa). 
Mô hình sản xuất của gia đình cựu chiến binh Hán Vinh Hà (xã Bình Hòa).

Thực hiện phong trào thi đua “CCB gương mẫu” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, Hội CCB huyện đã tích cực vận động hội viên và nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như: hiến đất, đóng góp tiền và ngày công để mở rộng đường giao thông nông thôn; thành lập các tổ tự quản về an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Trong 5 năm qua, hội viên Hội CCB huyện đã phát hiện, tố giác hàng trăm vụ việc vi phạm pháp luật, cung cấp cho cơ quan công an, chính quyền địa phương nhiều nguồn tin có giá trị, vận động 8 đối tượng phạm tội ra tự thú với cơ quan pháp luật, cảm hóa, giúp đỡ được 2 đối tượng lầm lỗi trở lại sinh hoạt bình thường trong cộng đồng, qua đó góp phần duy trì an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ông Trần Lưu Huỳnh, Chủ tịch Hội CCB huyện Krông Ana cho biết: “Các thế hệ CCB huyện chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chung tay xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, phong trào thi đua “CCB gương mẫu” đã góp phần khích lệ tinh thần để các hội viên hăng hái tham gia các chương trình, hoạt động. Đây cũng là động lực thúc đẩy các phong trào hoạt động của Hội CCB ngày càng đạt hiệu quả, phát huy vai trò tích cực của người lính Cụ Hồ trên các mặt đời sống xã hội, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân”.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.