Multimedia Đọc Báo in

Mong Tết sum vầy

13:41, 07/02/2021

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, những người con đất Việt dù đi đâu, làm gì cũng luôn mong muốn có cơ hội trở về quê hương, để được đoàn tụ, sum vầy bên gia đình.

Những ngày cuối năm, phố phường rộn rã đèn màu, vườn hoa khoe sắc thắm, những cơn gió lạnh bất chợt ùa về báo hiệu một năm sắp kết thúc khiến những người xa xứ vào các thành phố lập nghiệp hay đi học, đi làm xa nhà càng nôn nao chờ Tết đến. Người sắp về ăn Tết hân hoan lo mua sắm dần từng thứ làm quà cho người thân, họ hàng. Người không có điều kiện về cũng ráng dành dụm tiền, mua sắm đồ để nhờ bạn bè cùng quê mang biếu cha mẹ giúp mình.

Được cùng nhau ngồi gói bánh chưng là niềm hạnh phúc của nhiều người  mỗi dịp Tết đến
Được cùng nhau ngồi gói bánh chưng là niềm hạnh phúc của nhiều người mỗi dịp Tết đến.

Càng gần đến Tết, anh Nguyễn Ngọc Hiếu (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) đang làm việc tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) lại càng chộn rộn trong lòng, đếm ngược từng ngày để được về đón Tết bên gia đình. Anh Hiếu tâm sự: nhà anh có bốn mẹ con, nhưng chỉ có mình mẹ anh ở nhà làm nông, còn ba chị em mỗi người một nơi lập nghiệp. Bởi thế, dịp Tết cả gia đình mới có thể đoàn tụ, cùng nhau ngồi gói bánh chưng, đón giao thừa. Đối với những người con xa quê có lẽ đó là điều hạnh phúc nhất.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều người đành lỗi hẹn một mùa xuân sum vầy bên gia đình. Như chị Đỗ Thị Lệ (xã Cư Prao, huyện M’Drắk) sang Nhật Bản làm việc đến nay đã được bốn năm. Những năm trước, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, chị lại xin công ty nghỉ khoảng hai tuần để về Việt Nam. Chị chia sẻ: “Ở nơi đất khách quê người, không có gia đình bên cạnh lắm lúc cũng tủi thân, chạnh lòng. Bởi thế chỉ mong Tết đến để được về sum họp. Năm nay, vì dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên phải ngậm ngùi đón Tết nơi xứ người.”

Những ngày cuối năm khi mai đào khoe sắc thắm cũng là lúc những người con xa xứ nôn nao chờ Tết đến.
Những ngày cuối năm khi mai đào khoe sắc thắm cũng là lúc những người con xa xứ nôn nao chờ Tết đến.

Cùng chung nỗi niềm ấy, chị Ngô Thị Phượng (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) trải lòng, chị có hai con, bé lớn ba tuổi và bé nhỏ gần một tuổi. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, chị cùng chồng phải đi làm việc tại một khu công nghiệp ở Bình Dương, để hai đứa con thơ cho bà nội ở nhà trông. Dù nhớ con da diết, mong muốn về ăn Tết bên gia đình nhưng vì miếng cơm manh áo, Tết năm nay vợ chồng chị đành ở lại Bình Dương làm việc để kiếm thêm tiền lo cho các con có một cuộc sống đầy đủ hơn.

Dịp cuối năm, nếu như những người con xa xứ lại khắc khoải nôn nao, nhiều người tất bật đặt mua vé tàu, vé xe về quê ăn Tết thì những người ở quê cũng đếm ngược từng ngày, mong ngóng người thân trở về. Với rất nhiều ông bố, bà mẹ, Tết chưa đến khi con chưa về. Đã nhiều năm nay, cứ gần đến Tết là bà Đinh Thị Yến (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) lại thấp thỏm ngóng trông con cái trở về. Chồng mất sớm, bà ở cùng vợ chồng con trai thứ tại Đắk Lắk, bốn người con còn lại đều đi làm ăn xa. Tuy vậy, hai năm trở lại đây, vì giá cả nông sản bấp bênh, làm nông không đủ sống nên vợ chồng con trai thứ cũng đi Bình Dương xin làm công nhân ở một khu công nghiệp, bà ở lại trông đứa cháu trai năm tuổi. Nhớ con, thương cháu còn nhỏ mà đã phải xa vòng tay ba mẹ, bà chỉ mong Tết đến để cả gia đình được đoàn tụ, cùng nhau ăn bữa cơm sum vầy.

Vui hội ngày Xuân. Ảnh: hoàng gia
Vui hội ngày Xuân. Ảnh: Hoàng Gia

Hiện nay, các khu công nghiệp trên cả nước đã thu hút một lượng lớn lao động trẻ ở các vùng quê. Nhiều người lại chọn đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài, làm nhiều công việc khác nhau như: bốc vác, làm công trình, giúp việc, công nhân… để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Dẫu đi xa, họ vẫn luôn hướng về gia đình, quê hương và mong có dịp để trở về.

Huyền Diệu

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.