Multimedia Đọc Báo in

Sức trẻ trên đường khởi nghiệp

09:13, 28/02/2021

Với sự năng động, sáng tạo, nhiều bạn trẻ đã nỗ lực vượt qua khó khăn để khởi nghiệp, mang lại những giá trị tích cực trong cuộc sống.

Giáo trình riêng của cử nhân anh văn

Với chị Võ Thị Nga (SN 1994, ở thôn 6, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana), hoàn cảnh gia đình khó khăn không phải là trở ngại mà chính là động lực thúc đẩy chị nỗ lực vươn lên.

Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng Anh tại Trường Đại học Tây Nguyên, dù nhận được lời mời dạy tại các Trung tâm Anh ngữ với mức lương hấp dẫn, chị Nga vẫn quyết đi TP. Hồ Chí Minh để bổ sung kiến thức và rèn luyện kỹ năng, xây dựng nền tảng cho bản thân. Đầu năm 2019, chị trở về Đắk Lắk và bắt đầu xây dựng Trung tâm Anh ngữ Linda Group tại TP. Buôn Ma Thuột. Với kiến thức và những trải nghiệm thực tế, chị Nga đã tự soạn giáo trình dạy tiếng Anh riêng cho trung tâm của mình, hướng tới phân khúc người đã đi làm và sinh viên. Chị Nga cho hay: “Một trong những điểm yếu của sinh viên cũng như những người ngại giao tiếp tiếng Anh là do phát âm không chuẩn, nên hay “ngại miệng” khi nói. Chính vì vậy, tôi đã lập một giáo trình có cách dạy phù hợp với trình độ của từng học viên, đặc biệt là học đi đôi với hành, làm sao tạo ra được một môi trường để học viên có thể giao tiếp bằng tiếng Anh”.

Chị Võ Thị Nga (thứ hai từ phải sang) hỗ trợ các thành viên tại CLB Tiếng Anh
Chị Võ Thị Nga (thứ hai từ phải sang) hỗ trợ các thành viên tại CLB Tiếng Anh.

Để hiện thực hóa điều đó, chị đã tổ chức và duy trì Câu lạc bộ Tiếng Anh miễn phí, sinh hoạt vào mỗi cuối tuần. Tại đây, các học viên cũng như những người yêu thích Anh văn có thể tự tin giao tiếp, rèn luyện mà không phải ngại những người xung quanh. Với hướng đi phù hợp, Trung tâm ngày càng thu hút học viên, từ khoảng 10 người ban đầu nay tăng lên đến cả trăm người. Trung tâm đã tạo việc làm cho gần 20 lao động, chủ yếu là sinh viên chuyên ngành Anh ngữ sau khi ra trường.

Ngoài ra, chị Nga còn mở thêm các khóa học ngoại ngữ miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu muốn học và phát triển, hy vọng sẽ giúp họ có thêm cơ hội chạm tới ước mơ của mình.

Thương hiệu sản phẩm ứng dụng công nghệ  4.0

Hành trình khởi nghiệp của mỗi người là một câu chuyện riêng, có khó khăn, có thuận lợi, nhưng đều chứa đựng sự đam mê và nỗ lực cho đam mê đó để thành công.

Là thạc sĩ ngành Hệ thống thông tin, anh Đặng Quốc Huy (TP. Buôn Ma Thuột) có điều kiện ứng dụng công nghệ vào một trong những công việc yêu thích là kinh doanh các sản phẩm từ cây đinh lăng.

Anh Huy kể rằng, năm 2014, nhận thấy thị trường có nhu cầu cao về cây đinh lăng, mà địa phương lại có tiềm năng về nguồn nguyên liệu, anh đã tìm hiểu và bắt đầu khởi nghiệp với loại cây này. Hầu như các bộ phận của cây đinh lăng đều có giá trị như một loại dược liệu, rễ và củ càng lâu năm càng có giá trị. Hơn thế, loại cây đinh lăng lá nhỏ (được xem là loại sâm của người Việt) khá phù hợp với chất đất bazan của Tây Nguyên, được nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh trồng xen canh, thâm canh với diện tích lớn.

Năm 2018, anh Huy tham gia chương trình khởi nghiệp của tỉnh với dự án “Sản phẩm đinh lăng Tây Nguyên có chỉ dẫn địa lý mang thương hiệu tỉnh Đắk Lắk”. Tuy dự án không đạt giải thưởng của chương trình nhưng cũng từ đây, anh đã mở rộng được tầm nhìn cho việc phát triển kinh doanh. Tận dụng vốn kiến thức về công nghệ thông tin, anh Huy đã đưa ứng dụng Digital Marketing vào việc nâng tầm thương hiệu cho cây đinh lăng. Cụ thể, anh đã nâng cao chất lượng, đồng thời phát triển đa dạng các sản phẩm từ đinh lăng: tạo hình cho củ, tạo dáng cây cảnh bon sai, làm trà, rượu từ đinh lăng và sửa đổi bao bì cho phù hợp khi dùng để biếu tặng… Bên cạnh đó, anh còn ứng dụng thương mại điện tử như quay video sản phẩm đưa lên website, kênh Youtube, Facebook cá nhân; quảng bá thương hiệu sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử thế giới… để phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm bên cạnh phương pháp truyền thống; giúp tăng khả năng tiếp cận khách hàng, tăng doanh thu tối ưu hệ thống bán hàng, chăm sóc khách hàng…

Sản phẩm đinh lăng bonsai của anh Đặng Quốc Huy (bên phải) tại một hội chợ thương mại
Sản phẩm đinh lăng bonsai của anh Đặng Quốc Huy (bên phải) tại một hội chợ thương mại.

Đến nay những sản phẩm từ đinh lăng với thương hiệu “Đinh lăng Tây Nguyên” của anh Huy đã có chỗ đứng nhất định đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Sắp tới, anh Huy cùng cộng sự còn hướng tới liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, tăng thu nhập cho nông dân vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là dân tộc ít người trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên; thực hiện quy trình ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và quy trình canh tác hữu cơ làm tiêu chuẩn hàng đầu vào sản phẩm, đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng nhất từ cây đinh lăng.

Mai Sao

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​