Multimedia Đọc Báo in

Tấm lòng thơm thảo của một gia đình tiểu thương ở vùng sâu

07:55, 21/02/2021

Hộ bà Trần Thị Lịch, tiểu thương chợ buôn Chàm, xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) được nhiều người biết đến là gia đình có tấm lòng thơm thảo.

Điển hình là việc bà Lịch đã huy động con, cháu trong gia đình quyên góp hỗ trợ bà con các buôn làng của các xã Cư Drăm và Yang Mao sau cơn bão số 12 năm 2017. Thời điểm đó, hàng trăm ngôi nhà của đồng bào Êđê, M'nông bị đổ sập hoàn toàn hoặc bị tốc mái; thậm chí ở những buôn như buôn Tar, buôn Kuanh của xã Yang Mao, số nhà đổ hoàn toàn và tốc mái chiếm hơn 90%. Chứng kiến cảnh thiệt hại của nhiều hộ dân nghèo, bà Lịch đã vận động con cháu trong gia đình hỗ trợ trao tặng 40 suất quà cho bà con ở buôn Chàm A, xã Cư Drăm (nơi bà sinh sống) và trao 500 suất quà tặng các gia đình dân tộc Êđê, M’nông bị thiệt hại ở xã Yang Mao, tổng trị giá khoảng 85 triệu đồng.

Chị Huế, con dâu bà Lịch cũng là một trong những người đi đầu trong việc thiện nguyện tại xã Cư Drăm. Mới đây, vào ngày 2-1-2021, gia đình ông Thào Seo Cáng (dân tộc Mông) ở thôn Ea Bar, xã Cư Pui bị hỏa hoạn, thiêu rụi hai căn nhà. Biết hoàn cảnh gia đình ông Cáng thuộc diện khó khăn, chị Huế đã ủng hộ ngay 1 triệu đồng và đứng ra kêu gọi bà con tiểu thương ở chợ Cư Drăm, bạn bè trên cộng đồng mạng xã hội hỗ trợ. Chỉ trong vòng 5 ngày, chị Huế đã vận động được 14,6 triệu đồng để kịp thời giúp đỡ gia đình ông Cáng vượt qua cơn hoạn nạn.

Bà Lịch (bìa phải) tặng quà cho các hộ nghèo ở buôn Chàm A, xã Cư Drăm  dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Bà Lịch (bìa phải) tặng quà cho các hộ nghèo ở buôn Chàm A, xã Cư Drăm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Trong cuộc sống hằng ngày, bà Lịch luôn gần gũi, giúp đỡ nhiều hộ nghèo ở địa phương. Mỗi dịp Tết, gia đình bà Lịch đều trao tặng hàng chục phần quà gồm nhu yếu phẩm, tiền mặt hỗ trợ các hộ nghèo trong buôn ăn Tết.

Nói về tấm lòng thơm thảo của gia đình bà Lịch, ông Ama Khoát (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cư Drăm) nhận xét: “Là tiểu thương buôn bán những mặt hàng nông sản như củ khoai, củ dong, bó rau… và cũng phải tích cóp từng đồng nhưng gia đình bà Lịch luôn sẵn sàng san sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Điều đó thật đáng quý!”.

Tùng Lâm

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.