Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng đô thị thông minh để phục vụ người dân tốt hơn

05:45, 17/02/2021

Xây dựng đô thị thông minh là mục tiêu mà TP. Buôn Ma Thuột đang hướng tới nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ tiện ích cho đời sống xã hội và người dân.

Đô thị thông minh là mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố với người dân và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội. Xu hướng triển khai xây dựng đô thị thông minh là xu hướng tất yếu của bất kỳ đô thị nào trên thế giới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn cầu, tạo ra một thế giới kết nối của vạn vật, tận dụng được sức mạnh tổng hợp của tất cả các nguồn dữ liệu nhằm giải quyết các vấn đề mà mô hình quản trị đô thị truyền thống không thể giải quyết được một cách hiệu quả.

 

IOC đi vào hoạt động, người dân thuận tiện trong tiếp cận thông tin  - Ảnh: ĐINH NGA 
IOC đi vào hoạt động, người dân thuận tiện trong tiếp cận thông tin.  Ảnh: Đinh Nga

Với tỉnh Đắk Lắk nói chung và TP. Buôn Ma Thuột nói riêng, việc triển khai xây dựng đô thị thông minh chính là cơ hội tận dụng khoa học công nghệ để giải quyết các vấn đề đang vướng mắc, nắm bắt thời cơ bứt phá phát triển kinh tế bền vững, hình thành nên một đô thị hiện đại, kết nối và chuẩn mực cho TP. Buôn Ma Thuột. Với nguyên tắc chung là lấy người dân làm trung tâm, đô thị thông minh sẽ cho phép sự chia sẻ đầy đủ về thông tin dữ liệu giữa các ngành, giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền, đáp ứng và hỗ trợ các nhu cầu hiện nay của TP. Buôn Ma Thuột.

Trong tiến trình xây dựng trở thành đô thị thông minh, bước đầu TP. Buôn Ma Thuột đã có nhiều yếu tố thuận lợi như: hạ tầng máy tính được đầu tư tương đối đầy đủ; 100% các cơ quan, đơn vị nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã trang bị máy tính với mạng LAN và Internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được triển khai và đưa vào sử dụng, vận hành, khai thác; hệ thống công nghệ thông tin trực tuyến đã vận hành hiệu quả tất cả xã, phường; Từ năm 2020, đã đưa vào hoạt động hệ thống Wifi miễn phí tại Quảng trường 10-3; chỉ số hài lòng của người dân rất cao đối với hệ thống 1 cửa. Đồng thời đã triển khai thí điểm hệ thống Camera an ninh tại phường Thắng Lợi và vận hành hiệu quả, hiện đang triển khai thêm tại phường Tân Tiến và Tân Lợi...

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của TP. Buôn Ma Thuột được đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin - Ảnh: Lan Anh
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của TP. Buôn Ma Thuột được đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: Lan Anh

Đặc biệt, cuối năm 2020, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk (IOC) được thành lập và đi vào hoạt động. Các đơn vị liên quan đã chạy thử nghiệm giám sát các dịch vụ đô thị thông minh, gồm: dịch vụ giám sát (DVGS) Dịch vụ hành chính công (iGate), DVGS thông tin trên môi trường mạng; dịch vụ phản ánh hiện trường; DVGS hệ thống quản lý văn bản và điều hành; dịch vụ giám sát an ninh an toàn; DVGS điều hành kinh tế - xã hội; DVGS Giáo dục thông minh; DVGS Y tế thông minh; DVGS Du lịch thông minh; DVGS an toàn thông tin mạng (SOC). Các dịch vụ đô thị thông minh trên đã được các doanh nghiệp triển khai cài đặt trên hệ thống Cloud của các doanh nghiệp và tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh sẵn sàng cho việc hiển thị trên hệ thống màn hình ghép để giám sát.

Theo ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột, khi IOC chính thức đi vào hoạt động các dịch vụ công tích hợp giữa các cơ quan nhà nước và được cá nhân hóa giúp người dân thuận tiện trong việc tiếp cận các thông tin. Người dân và doanh nghiệp được cung cấp đầy đủ các thông tin và công cụ tiện ích để thực hiện các thủ tục đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và có thể theo dõi tiến trình xử lý hồ sơ, yêu cầu, kiến nghị theo thời gian thực. Các dịch vụ chất lượng cao về du lịch, giao thông, y tế, giáo dục, môi trường… được cung cấp cho người có nhu cầu. Đồng thời, người dân được tạo điều kiện giám sát và tham gia vào quá trình xây dựng đô thị, phát huy vai trò làm chủ của mình cũng như đóng góp trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là với lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh được cải thiện thông qua các biện pháp cải cách hành chính hiệu quả, giảm thủ tục, hồ sơ giấy, tăng cường đăng ký kiểm tra, cấp phép giám sát điện tử, có sự phối hợp liên ngành và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Lan Anh
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Lan Anh

Mặt khác, thay bằng việc người dân, doanh nghiệp phải giao tiếp với chính quyền theo từng lĩnh vực ngành dọc thì theo cách quản trị thông minh, người dân doanh nghiệp sẽ tiếp cận thông tin và tương tác dễ dàng hơn với chính quyền thông qua nền tảng chung về quản lý dịch vụ, quản lý vận hành và quản lý dữ liệu. Qua đó vừa giúp nâng cao chất lượng các dịch vụ công hiện hữu, vừa góp phần tạo ra các dịch vụ và giá trị mới.

Có thể thấy, việc xây dựng đô thị thông minh là nội dung mới đối với TP. Buôn Ma Thuột, vì thế thời gian tới thành phố tiếp tục tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nhất là người đứng đầu các đơn vị; nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan, doanh nghiệp và người dân về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời quan tâm đầu tư nguồn lực cho ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh, trong đó tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin nhằm đảm bảo năng lực, cơ sở hạ tầng thông tin. Tiếp tục vận hành đạt hiệu quả Trung tâm Điều hành và một số dịch vụ đô thị thông minh.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.