Multimedia Đọc Báo in

Đảm nhận khâu khó, việc mới

08:55, 28/03/2021

Với nhiệt huyết, tinh thần xung kích, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã đảm nhận nhiều khâu khó, việc mới, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển của địa phương.

Chiến sĩ "áo xanh" đưa nước sạch về buôn

Hơn một năm nay, người dân buôn Tar (xã Yang Mao, huyện Krông Bông) không còn phải còng lưng leo núi gùi từng chai nước suối về dùng. Đó là nhờ những chiến sĩ “áo xanh” tình nguyện cùng với bà con hiện thực hóa ước mơ đưa nước sạch về tận nhà.

Buôn Tar có 54 hộ, khoảng 200 khẩu, chủ yếu là đồng bào M’nông. Do địa hình buôn nằm ở lưng chừng đồi núi, đất khô cứng, người dân không thể đào giếng, nên hằng ngày bà con trong buôn phải mất nhiều thời gian, công sức để lên núi gùi nước về sử dụng. Thấu hiểu khó khăn của người dân, đầu năm 2019, anh Y Luật Niê, Phó Bí thư Đoàn xã Yang Mao đã tiến hành khảo sát, tìm cách xây dựng công trình nước sạch tại buôn Tar.

"Quyết là phải làm, bởi một khi đã hứa với bà con mà không thực hiện, bà con sẽ không tin mình nữa”, anh Y Luật bày tỏ. Sau vài lần tìm kiếm các nhà hảo tâm nhờ hỗ trợ không thành công, đến đầu tháng 8-2019, anh  Y Luật và người dân buôn Tar nhận được tin vui, có nhà hảo tâm đồng ý tài trợ 170 triệu đồng để xây dựng công trình nước sạch.

Anh Y Luật Niê bên công trình cấp nước sạch buôn Tar.
Anh Y Luật Niê bên công trình cấp nước sạch buôn Tar.

Cuối tháng 8-2019, công trình được khởi công, để tránh tình trạng công trình xây dựng không phát huy hiệu quả, anh Y Luật đề xuất khoan giếng, xây bể chứa, đầu tư ống dẫn nước đến từng nhà dân và lắp đồng hồ đo nước. Phương án được thống nhất, hàng chục đoàn viên, thanh niên được huy động để đào hơn 2 km đường ống dẫn nước vào từng nhà. Cuối năm 2019, công trình nước sạch buôn Tar được đưa vào sử dụng bằng một lễ cúng bến nước đậm văn hóa truyền thống của người M’nông. Bà H’Ân Mdrang hồ hởi: “Từ ngày có nước sạch, mỗi ngày tôi không phải leo núi hơn 1 km để lấy nước nữa và an tâm hơn vì nước đảm bảo vệ sinh”.

Hiện nay, công trình nước sạch được giao cho anh Y Bhi Mdrang - Trưởng buôn Tar quản lý, vận hành, thu tiền nước với giá 3.000 đồng/m3. Với cách quản lý này, người dân ý thức hơn trong việc sử dụng nước tiết kiệm, về phía Ban tự quản buôn có kinh phí chi trả tiền điện và bảo trì công trình khi có sự cố. Hơn 2 năm qua, công trình đã cấp đủ nước quanh năm cho người dân buôn Tar.

Không chỉ thực hiện công trình nước sạch ở buôn Tar, anh Y Luật còn kết nối, vận động nhà hảo tâm xây dựng thêm nhiều công trình nhà ở, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: trồng cây, giúp dân khắc phục thiên tai. Đoàn Thanh niên xã Yang Mao cũng đã phát động nhiều hoạt động cộng đồng nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhóm thiện nguyện… cùng với sức trẻ của đoàn viên, thanh niên để chung tay thay đổi bộ mặt nông thôn của xã nghèo.

 “Làm hết việc, không hết giờ”

Gần 1 giờ ngày 19-3, khi mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ, tại trụ sở Công an phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) ánh điện vẫn sáng bừng với không khí làm việc tất bật, khẩn trương của các cán bộ, chiến sĩ Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) và Công an phường để tiến hành cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử cho công dân.

Chị Trần Thị Thu Nguyệt, tiểu thương ở phường Thắng Lợi cho biết: “Do đặc thù công việc nên mãi đến tối tôi mới đến Công an phường để làm thủ tục cấp thẻ CCCD. Cứ tưởng đến vào giờ này sẽ có ít người dân đến àm thủ tục cấp thẻ, nhưng khi đến đây tôi thấy nhiều người vẫn kiên trì đợi đến lượt mình. Cũng như nhiều bà con đến trước đó, tôi được cán bộ, chiến sĩ công an ân cần hướng dẫn chu đáo, thực hiện nhanh gọn các trình tự cấp thẻ căn cước”.

Đoàn viên, thanh niên Công an huyện Krông Năng hỗ trợ người khuyết tật làm căn cước công dân.                                                                                                                                             (Ảnh: Công an huyện Krông Năng cung cấp)
Đoàn viên thanh niên Công an huyện Krông Năng hỗ trợ người khuyết tật làm căn cước công dân. (Ảnh: Công an huyện Krông Năng cung cấp)

Dù làm việc tăng giờ, mỗi ca trực tiếp đón nhiều người dân đến làm thủ tục cấp thẻ, nhưng Thượng úy Đặng Hà My, đoàn viên Chi đoàn Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội vẫn luôn tươi cười, hướng dẫn cặn kẽ từng người dân về các thủ tục cấp CCCD. "Là mẹ của hai con nhỏ, hơn một tháng qua, các cháu phải ngủ nhà ông bà còn nhiều hơn với mẹ. Dù được lãnh đạo đơn vị, đồng nghiệp nam ưu tiên cho kết thúc ngày làm việc lúc 24 giờ, nhưng nhìn thấy còn nhiều người dân  chờ đợi làm thẻ, tôi quyết định làm cho đến khi hết việc mới về”, Thượng úy My cho hay.

Đây không phải là ngày đầu tiên Thượng úy My cũng như nhiều đoàn viên, thanh niên của Chi đoàn Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phải làm việc “qua ngày mới”. Để bảo đảm tiến độ cấp CCCD, tạo thuận lợi nhất cho công dân đến thực hiện thủ tục cấp CCCD, Chi đoàn Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tăng cường 100% đoàn viên, thanh niên tham gia cùng với các tổ cấp thẻ CCCD lưu động, thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phân khung thời gian hợp lý cho từng đối tượng công dân đến làm hồ sơ đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh trật tự tại các nơi cấp CCCD. “Bước vào đợt cao điểm cấp CCCD, riêng ban đêm, chúng tôi không quy định giờ nghỉ, mà làm đến khi hết công việc, có khi phải đến 2 - 3 giờ sáng", Trung úy Hoàng Dương Bảo Trung, Bí thư Chi đoàn Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) chia sẻ.

Nhờ tinh thần không ngại khó, ngại khổ trung bình mỗi ngày Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp với Công an các xã, phường của TP. Buôn Ma Thuột hoàn thành hơn 700 bộ hồ sơ cấp CCCD. Đặc biệt, bước vào cao điểm cấp CCCD (ngày 1 đến 23-3) toàn TP. Buôn Ma Thuột đã hoàn thành khoảng 18.000 hồ sơ cấp CCCD.

Huỳnh Thủy - Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.