"Cờ bạc lẻ" nào phải trò vui!
Đến thăm gia đình một người bạn là bác sĩ chuyên khoa mắt của một phòng phám tư nhân khá lớn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, tôi rất bất ngờ khi chứng kiến anh và các bác hưu trí gần nhà đang tụ tập trên chiếu bạc.
Tuy số tiền thắng thua mỗi ván chỉ từ 10.000 – 50.000 đồng nhưng chỉ trong chốc lát, có “con bạc” đã mất gần triệu đồng. Cay cú, xót xa vì “quyết định sai lầm, xuống tay lạc nước”, những tiếng cãi nhau, nói tục, chửi thề liên tục vang lên.
Thấy tôi mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên, anh bạn cười xòa giải thích: “Tụi mình chơi “cò con” cho vui thôi, có phải cờ bạc, đỏ đen gì đâu. Dân ở đây ai cũng thích “món” này, cứ ăn tối xong là nhắn tin, gọi điện rủ nhau lập hội. Nhiều đêm ham vui, thức đến tận 1 - 2 giờ sáng để chơi, hôm sau đi làm thèm ngủ đến nhíu cả mắt. Thằng cu nhà mình mới học lớp 3 mà chơi khá lắm, Tết vừa rồi, nó “lượm” sạch tiền lì xì của tụi trẻ con trong xóm này đấy. Hôm nay cháu bận đi học thêm, chứ có nó ở nhà cũng rôm rả lắm”.
Cứ tưởng tình trạng “cờ bạc lẻ” chỉ là hiện tượng cá biệt tại khu phố của bạn tôi, nào ngờ khi mang chuyện này kể với cô em gái đang là sinh viên năm nhất đại học, tôi đã bị chê là “đồ nhà quê”. Như để chứng minh cho điều mình nói, ngay tối hôm sau, em gái dẫn tôi xuống một khu nhà trọ sinh viên để trải nghiệm thực tế. Trong một căn phòng nhỏ rộng hơn chục mét vuông nằm cuối dãy hành lang, các sinh viên say sưa ngồi xóc bầu cua ăn tiền, xung quanh quần áo, nồi niêu, bát đĩa bẩn vứt chỏng chơ. Trên chiếu “phỏm” phòng bên cạnh, không khí cũng không kém phần náo nhiệt.
Tranh thủ khi vắng khách, các nhân viên một quán nhậu chơi bạc. |
Theo “thể lệ” của “chủ xị”, số tiền đặt cược mỗi ván tối thiểu là 5.000 đồng, tối đa là 10.000 đồng, những người chơi nếu có nhu cầu đều được luân phiên làm cái. Bất kể thắng hay thua, ai làm cái đủ 5 ván cũng phải góp vào quỹ chung 2 gói mì tôm, để sau khi tàn canh bạc mọi người cùng “tẩm bổ”. Chẳng biết họ rủ nhau chơi từ bao giờ, nhưng số mì tôm trong “ngân khố” của cả nhóm sau khi ăn uống thả ga vẫn còn lại gần 20 thùng. Vừa móc ví lấy tờ 50.000 ra đổi tiền lẻ được chừng 10 phút, Minh K. (21 tuổi, quê ở Gia Lai) đã thua sạch bách. Với phương châm “cờ bạc ăn nhau về gà gáy”, như con bạc khát nước, cậu liên tục đổi tiền để “xuống tay” với hy vọng gặp may.
Minh K. cho biết, ngoài chơi ở phòng trọ, khi đi làm thêm cho một quán nhậu nằm trên đường Y Wang, những lúc vắng khách anh và các bạn cũng rủ nhau sát phạt giải khuây. Nếu “đủ tay” thì họ xóc bầu cua, đánh phỏm, xì lát, tiến lên, bài cào… Còn khi chỉ có 2 - 3 người, họ thường sáng tạo bằng cách chơi “đầu đít”, “đếm nút biển số xe”, “tung đồng xu xấp ngửa”. Có hôm tranh thủ giờ giải lao trên giảng đường, họ cũng ngấm ngầm rủ nhau chơi. Đam mê trò sát phạt, họ chơi quên cả thời gian. Số tiền mỗi ván tuy chẳng đáng là bao nhưng đánh bạc cả đêm, chuyện mất tiền trăm, tiền triệu diễn ra như cơm bữa. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngoài “nguồn viện trợ” từ gia đình, mỗi khi túng thiếu, các sĩ tử sẵn sàng ngửa tay vay mượn anh em, bạn bè, cầm cố chứng minh thư, giấy tờ, xe máy, điện thoại, thậm chí rủ nhau đi… bán máu để có tiền nướng vào cờ bạc, đỏ đen. Chuyện học hành, thi cử, sức khỏe bản thân do đó cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Để ngăn chặn tình trạng cờ bạc, lô đề, thời gian qua, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, các lực lượng chức năng thường xuyên tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử phạt nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Hy vọng đây sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các con bạc, kể cả các con bạc “cò con”.
An Khang
Ý kiến bạn đọc