Multimedia Đọc Báo in

Mải miết hành trình đi tìm đồng đội

08:45, 30/04/2021

“Tôi còn sống ngày nào là còn đi tìm các anh ngày đó, bao nhiêu ngày, bao nhiêu nơi tôi cũng đi. Đó là trách nhiệm của tôi”. Tâm niệm và lời hứa đó đã được thương binh, cựu chiến binh Đỗ Tấn Tài thực hiện trong hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ suốt mấy chục năm qua.

Cùng cán bộ Hội Cựu chiến binh huyện Krông Pắc đến thăm và trò chuyện với ông Tài trong căn nhà nhỏ ở thôn Thăng Lập 1, xã Ea Kuăng mới cảm nhận được tâm huyết, trách nhiệm, những trăn trở, day dứt và sự quyết tâm của người cựu binh già đối với những đồng chí, đồng đội đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc vẫn đang nằm lại ở đâu đó trong lòng đất Mẹ.

Ông Tài năm nay đã 70 tuổi, dáng người nhỏ, gầy, làn da ngăm đen nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông nói: “Vào mỗi dịp lễ, tết hằng năm, tôi lại sắm sửa nhang đèn, hoa quả, thành kính thắp nén tâm nhang cho những đồng chí, đồng đội. Tôi chỉ mong các anh em phù hộ cho mình khỏe, chỉ đường dẫn lối giúp tôi tìm và đưa các anh về”.

Cựu chiến binh Đỗ Tấn Tài (bìa phải) kể lại quá trình tìm kiếm, xác định vị trí khu vực  chôn cất liệt sĩ vừa được cất bốc vào ngày 19-3-2021.
Cựu chiến binh Đỗ Tấn Tài (bìa phải) kể lại quá trình tìm kiếm, xác định vị trí khu vực chôn cất liệt sĩ vừa được cất bốc vào ngày 19-3-2021.

Cựu chiến binh, thương binh Đỗ Tấn Tài quê ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Năm 17 tuổi ông nhập ngũ và được biên chế về Đội công tác đặc biệt K300 Tỉnh đội Đắk Lắk. Đầu năm 1970, ông là Đội phó Đội K300. Lúc ấy, ông Tài và các đồng đội được giao nhiệm vụ nắm tình hình địch, tuyên truyền giáo dục cách mạng cho nhân dân, xây dựng lực lượng nòng cốt và cơ sở cách mạng trong vùng tranh chấp và vùng địch tạm kiểm soát từ km 26 (Quốc lộ 26) đến huyện Khánh Dương (nay là huyện M’Drắk). Không chỉ trực tiếp tham gia chiến đấu, ông Tài còn tự tay chôn cất những đồng đội đã hy sinh. Ông kể: “Thời điểm đó tình hình chiến tranh rất ác liệt, anh em hy sinh nhiều. Cả đội có 32 người thì 30 người đã hy sinh, hiện chỉ còn tôi và anh Y Krưng (huyện Lắk) còn sống. Anh em hy sinh ở đâu, đồng đội chôn tại đó. Do địch càn quét ác liệt, có người hy sinh cả 10 ngày sau mới chôn cất được. Sau nhiều năm, địa hình, địa vật thay đổi, việc tìm kiếm ngày càng khó khăn”.

Lần tìm theo ký ức của mình, trong suốt mấy chục năm qua, ông Tài đã đặt chân đến nhiều khu vực thuộc địa bàn các huyện: Krông Pắc, Ea Kar, Lắk, Krông Bông... để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Hiểu tấm lòng và chia sẻ với những trăn trở, day dứt của ông, vợ, các con luôn là hậu phương vững chắc, ủng hộ những việc làm nghĩa tình đó. Tuy gia đình đông con, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vợ ông đã cáng đáng mọi việc lớn nhỏ trong nhà để ông có thời gian rong ruổi đi tìm đồng đội. Đồng hành trong hành trình dài đó còn có sự hỗ trợ, trợ giúp của chính quyền, đoàn thể địa phương và các ngành hữu quan của huyện, tỉnh. 

Cựu chiến binh, thương binh Đỗ Tấn Tài luôn tâm niệm việc đi tìm hài cốt liệt sĩ là trách nhiệm, là việc nghĩa tình.
Cựu chiến binh, thương binh Đỗ Tấn Tài luôn tâm niệm việc đi tìm hài cốt liệt sĩ là trách nhiệm, là việc nghĩa tình.

Mới đây nhất, sau nhiều lần kiểm tra, xác định khá chính xác vị trí khu đất mà ông chôn cất 3 chiến sĩ thuộc đơn vị C313 hy sinh tại khu vực dinh điền Thăng Quý (nay thuộc thôn Phước Tân 1, xã Ea Kuăng), ông Tài đã cung cấp thông tin cho Huyện đội Krông Pắc và Đội quy tập hài cốt liệt sĩ (K51), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức cất bốc vào ngày 19-3-2021. Nhờ vậy, đã tìm kiếm thêm được 1 hài cốt liệt sĩ chuyển về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Krông Pắc an táng. “Khu vực này hiện là đất vườn của người dân, đã chia cho các con canh tác nhiều năm. Có 3 đồng đội được chôn tại đây nhưng mới chỉ tìm được 1 hài cốt, còn 2 hài cốt vẫn chưa tìm thấy. Không chỉ ở đây mà cả 11 chiến sĩ được tôi và đồng đội chôn cất ở xã Ea Kmút (huyện Ea Kar) vẫn chưa tìm thấy, thật đau lòng”, ông Tài bộc bạch.

Sau nhiều năm thực hiện hành trình tìm đồng đội, đến nay, ông Tài đã tìm được và trực tiếp tham gia cất bốc 8 hài cốt liệt sĩ; phối hợp cung cấp thông tin cất bốc 1 hài cốt liệt sĩ. Khi được hỏi về tâm nguyện của mình, ông nghẹn ngào: “Bố ruột tôi là Liệt sĩ Đỗ Lược, bị địch bắn, đốt, hy sinh năm 1968 tại huyện Krông Bông, đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Và còn rất nhiều đồng đội đang nằm rải rác nhiều nơi vẫn chưa tìm thấy. Tôi xót xa lắm. Tôi còn sức là còn đi tìm”.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.