Sinh viên đi làm thêm...
Đi làm thêm, sinh viên không chỉ có một khoản thu nhập kha khá để trang trải cho việc học tập và cuộc sống xa gia đình mà còn tích lũy được kinh nghiệm cho công việc sau này, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp.
Là sinh viên năm thứ 4 ngành Sư phạm (Trường Đại học Tây Nguyên), việc học tập khá bận rộn, nhưng Nguyễn Đoàn Anh Thư vẫn sắp xếp thời gian làm phục vụ tại quán Song Việt Corp (trong khuôn viên Trường Đại học Tây Nguyên).
Thư chia sẻ: “Mỗi ngày, em chỉ đi làm một ca (5 tiếng) nên không ảnh hưởng nhiều đến việc học tập. Chủ quán rất thông cảm cho sinh viên đi làm thêm, nên vào các kỳ thi, em được giảm thời gian làm việc còn 4 tiếng để có thời gian ôn tập, thi tốt. Tuy mức lương làm thêm không cao nhưng cũng giúp em trả tiền thuê phòng trọ, bữa cơm sinh viên cũng được cải thiện hơn”.
Làm thêm đang là xu hướng của những sinh viên năng động, ham học hỏi, có động lực phấn đấu để hoàn thiện bản thân. Song không phải sinh viên nào cũng may mắn tìm kiếm được việc làm phù hợp và biết "có điểm dừng" với công việc làm thêm như Thư. Có trường hợp sinh viên mải "say" với việc làm thêm mà sao nhãng chuyện học tập, rèn luyện. Đơn cử như trường hợp em N.V.T, sinh viên năm thứ 2 ngành Y khoa (Trường Đại học Buôn Ma Thuột), hiện đang làm thợ chụp ảnh tại một Studio ở TP. Buôn Ma Thuột. T. cho biết: "Cũng như nhiều bạn sinh viên, xin được việc làm thêm em mừng lắm, xác định đây chỉ là công việc phụ trong thời gian rảnh rỗi. Nhưng sau 6 tháng, em yêu thích việc chụp ảnh, mỗi khi không đi làm thêm em lại đi “săn” những tác phẩm ảnh mình yêu thích. Vào mùa cưới, với lịch chụp ảnh cho các cặp đôi dày đặc, em đã "rớt" một vài môn học".
Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên làm thêm tại quán Song Việt Corp. |
Chưa kể đi làm thêm không chỉ đối mặt với nhọc nhằn mà có cả những cạm bẫy. Như trường hợp N.T.V., sinh viên năm thứ 2, Khoa Kinh tế (Trường Đại học Tây Nguyên) cũng mong muốn có việc làm thêm nên đã dùng chứng minh nhân dân của mình “đặt cọc” để tham gia một buổi học bán hàng mỹ phẩm do các đối tượng bán hàng đa cấp tổ chức. Sau buổi học bán hàng, V. không lấy sản phẩm về bán nên đã bị người giới thiệu giữ chứng minh nhân dân. “Sau đó, em đã phải nghỉ học một ngày để cùng với người nhà đi lấy lại chứng minh nhân dân. Bây giờ dù rất muốn đi làm thêm nhưng em rất sợ lại bị lừa lần nữa”, V. tâm sự.
Anh Vũ Nhật Phương, Bí thư Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, đi làm thêm là nhu cầu chính đáng của sinh viên. Qua một khảo sát mới đây, thì có đến 80% sinh viên trong tổng số sinh viên được phát phiếu khảo sát trả lời vừa đi làm, vừa đi học thông qua các kênh: tự tìm kiếm việc làm, giới thiệu của bạn bè, Ngày hội việc làm do Đoàn Trường phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức...; có nhiều hình thức làm thêm: full time (toàn thời gian), part time (bán thời gian), làm thời vụ..., nhưng đa phần sinh viên chọn hình thức làm việc bán thời gian bởi lịch làm việc linh hoạt theo thời gian rảnh học tập. Trong số những sinh viên đi làm thêm do thiếu kỹ năng sống nên gặp phải những công việc không phù hợp, người giới thiệu lừa đảo.
Đồng hành cùng sinh viên, nhất là tân sinh viên, hằng năm Đoàn Trường phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở… tổ chức Hội chợ việc làm, qua đó giúp nhiều sinh viên có cơ hội tìm kiếm việc làm thêm phù hợp và về phía doanh nghiệp cũng tìm kiếm được lao động đúng yêu cầu, nhưng quan trọng nhất là sinh viên không bị “sập bẫy” việc làm..
Lê Thương
Ý kiến bạn đọc