Multimedia Đọc Báo in

"Chìa khóa dân vận" trên đại công trình Hồ chứa nước Krông Pách thượng (kỳ 2)

07:04, 23/04/2021

Dân vận bằng người thực việc thực

Góp phần to lớn trong cuộc di dân Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng phải kể đến sự đóng góp to lớn của những đảng viên gương mẫu, tiên phong thực hiện di dời về khu tái định cư. Qua đó, nhiều hộ dân tích cực hưởng ứng theo, cùng cộng đồng trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ Dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho người dân, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh và chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thu hồi đất, bồi thường, tái định cư cho các đối tượng liên quan. Tuy nhiên, các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án vùng lòng hồ là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Mông, một số hộ không biết tiếng phổ thông, thiếu hiểu biết nên khó khăn trong việc tiếp thu văn bản pháp luật. Mặt khác do ảnh hưởng của lối sống, phong tục tập quán, thói quen… khiến công tác di dời về nơi ở mới cũng gặp nhiều trở ngại. Lấy người thực việc thực để tuyên truyền vận động, nhiều đảng viên đã nêu gương để người dân làm theo

Thi công đường giao thông nội vùng Khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar).
Thi công đường giao thông nội vùng Khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar).

Đảng viên đi trước...

Trong công cuộc di dân từ vùng lòng hồ Krông Pách thượng sang vùng đất mới, cuối năm 2019, hàng chục hộ dân thuộc diện di dời ở xã Cư Yang (huyện Ea Kar) đã tuân theo chủ trương của Nhà nước đến nơi ở mới (Khu tái định cư số 1, xã Cư Elang, huyện Ea Kar). Để có được kết quả này, ngoài công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, chủ đầu tư dự án thì phải kể đến vai trò tiên phong, gương mẫu của những đảng viên là người dân thuộc diện di dời.

Đảng viên Nông Văn Khí (thôn 15, xã Cư Yang) khi biết gia đình mình thuộc diện phải di dời, ông đã động viên vợ con và người thân nghiêm chỉnh chấp hành. Cụ thể, gia đình ông đã thực hiện di dời theo đúng kế hoạch của địa phương và chủ đầu tư Dự án đề ra. Đến nay, sau hơn một năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của gia đình ông Khí đã ổn định; bản thân ông đã được sắp xếp làm giáo viên tại Trường Tiểu học Trần Bình Trọng (ở cạnh nhà). Ông Khí tâm sự: “Gia đình tôi từ tỉnh Lạng Sơn vào xã Cư Yang sinh sống đã hơn 30 năm. Trước đây, đất sản xuất ở Cư Yang cũng nhiều nhưng xa công trình thủy lợi nên nguồn thu hằng năm bấp bênh. Bây giờ, về nơi ở mới lại gần trung tâm xã, điều kiện cơ sở vật chất cũng được đầu tư bài bản, đất sản xuất gần nhà, gần công trình thủy lợi nên việc chăm sóc, thu hoạch rất thuận tiện; đặc biệt với 5 sào lúa nước, mỗi vụ gia đình thu về được khoảng 4 tấn thóc".

Nhiều ngôi nhà mới tại Khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang,huyện Ea Kar).
Nhiều ngôi nhà mới tại Khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar).
 

- Tính đến giữa tháng 4-2021, Khu tái định cư số 1, xã Cư Elang (huyện Ea Kar) đã đón 80 hộ dân, với khoảng 327 nhân khẩu thuộc xã Cư Yang (huyện Ea Kar) và Cư San (huyện M’Drắk). Tất cả hộ dân chuyển đến đã và đang dần thích nghi, ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất tại nơi ở mới.

- Vào ngày 15-4-2021, UBND xã Cư Elang đã thành lập Tổ tự quản lâm thời gồm 3 thành viên do đảng viên Hoàng Văn Đội làm Tổ trưởng. Nhiệm vụ của tổ là phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hỗ trợ người dân sau tái định canh, tái định cư.

Đảng viên Hoàng Văn Đội - trước đây là Phó Bí thư Chi bộ thôn 15 (xã Cư Yang) cũng là người tiên phong trong công tác di dời đến nơi ở mới. Dẫu còn nhiều trăn trở, quyến luyến với nơi đã hơn 30 năm gắn bó nhưng khi được cán bộ Dự án và chính quyền địa phương phân tích về tầm quan trọng của công trình cũng như điều kiện cơ sở vật chất tại nơi ở mới, anh đã bàn với các thành viên trong gia đình di dời về khu tái định cư. Không chỉ gương mẫu chấp hành, với vai trò là đảng viên trẻ, anh Đội còn tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền, vận động để bà con trong thôn thực hiện di dời về nơi ở mới. Điều đáng mừng nữa là sau khi về khu tái định cư, các con được đến trường yên tâm học tập, còn vợ chồng anh đã bắt tay vào canh tác đất đai để sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Làng nước theo sau

Có thể nói, sự nêu gương, tiên phong của những đảng viên như ông Khí, anh Đội đã tạo tiền đề, động lực cho các hộ khác ở khu vực lòng hồ trên địa bàn xã Cư Yang và mới đây là hàng chục hộ ở xã Cư San (huyện M’Drắk) cùng thực hiện việc di dời đến nơi ở mới.

Nhận tiền đền bù, hỗ trợ từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hộ chị Giàng Thị Sèo (thôn 9, xã Cư San) đã tự nguyện di dời khỏi vùng lòng hồ Krông Pách thượng ngay trong ngày di dân đầu tiên (sáng 12-3). Đến ngày chính thức di dời, từ 5 giờ sáng vợ chồng chị đã đi xe máy vượt quãng đường dài hơn 40 km từ xã Cư San đến khu tái định cư để xem lại mặt bằng, tính toán phương án dựng nhà phù hợp. Với địa hình bằng phẳng, diện tích đất ở và đất vườn rộng 1 sào, sau khi đến nơi ở mới, vợ chồng chị đã dựng một căn nhà gỗ và dự tính sẽ xây một cửa hàng tạp hóa hoặc làm dịch vụ bida để tạo nguồn thu nhập. Chị Sèo bộc bạch: "Rời xa nơi gắn bó hơn 24 năm tôi cũng rất buồn nhưng phải đi vì đây là chủ trương chung và cũng là để bảo đảm cuộc sống tương lai cho gia đình, chứ cứ ở vùng lòng hồ luôn bất an bởi nguy hiểm rình rập khi mùa mưa đến, nước lũ dâng. Hơn thế nữa, biết rằng trước sau gì cũng phải đi nên việc đi trước để sớm ổn định cuộc sống là điều rất cần thiết".

Đảng viên Hoàng Văn Đội (áo xanh, thứ 2 từ trái sang) nhận quyết định thành lập Tổ tự quản lâm thời Khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar).
Đảng viên Hoàng Văn Đội (thứ hai từ trái sang) nhận quyết định thành lập Tổ tự quản lâm thời Khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar).

Tương tự, với hộ bà Lò Thị Mú (thôn 10, xã Cư San) di dời trong đợt đầu tiên, đến nay gia đình bà đã dựng xong nhà, các con cũng đã đến trường ổn định. Do mới đến nên chưa thể bắt tay vào việc canh tác, sản xuất nhưng nhìn cơ sở hạ tầng từ điện, đường, trường trạm được đầu tư khang trang bà rất phấn khởi. Điều bà Mú vui mừng hơn nữa là điều kiện học tập con của mình được thuận lợi hơn bởi trường ở cạnh nhà không phải đi hơn 10 km như nơi ở cũ.

Với sự hỗ trợ đắc lực của chủ đầu tư, chính quyền địa phương, nhất là tinh thần người đi sau giúp đỡ người đi trước, lần lượt các hộ dân ở Cư San đã tự nguyện đến khu tái định cư và đang dần ổn định cuộc sống. Đây sẽ là động lực để các hộ dân còn lại ở khu vực lòng hồ thay đổi nhận thức, chấp hành thực hiện di dời về nơi ở mới, tạo điều kiện cho chủ đầu tư sớm hoàn thiện hệ thống thủy lợi hồ Krông Pách thượng trong thời gian sớm nhất.

Hoàng Tuyết – Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.