Multimedia Đọc Báo in

Khó khăn trong việc xây dựng nghĩa trang tập trung tại xã Cư Suê

08:00, 25/05/2021

Xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) là địa phương giáp ranh với TP. Buôn Ma Thuột, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2019. Tuy nhiên những bất cập trong việc xây dựng nghĩa trang đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan của các khu dân cư ở đây.

Xã Cư Suê có 10 thôn, buôn nhưng có tới 12 nghĩa trang. Nghĩa là mỗi thôn, buôn có một cái; có thôn, buôn hai nghĩa trang. Mộ chôn rải rác hai bên Tỉnh lộ 8, dọc đường liên thôn, phía sau chợ trung tâm xã, trường học, trong vườn, rẫy cà phê… Đáng nói là có những khu mộ ở giữa khu dân cư, cách nhà dân ở chỉ vài bước chân.

Gia đình chị H’Bliô Niê (buôn Sút M’đưng) sống cạnh khu mộ chôn cất đã nhiều năm, thành viên trong gia đình ai cũng lo sợ không dám dùng nước giếng để ăn uống mà chỉ dùng tắm giặt. Chị H’Bliô Niê cho biết, mỗi khi có người chết hoặc sau khi cải táng, có gia đình không thu dọn đồ đạc chôn cất, gây mất vệ sinh. Biết là môi trường sống bị ô nhiễm nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, đất đai không có nên chị đành phải chấp nhận sống cạnh nghĩa trang. “Tôi mong Nhà nước quan tâm, xây dựng khu nghĩa trang tập trung ở xa khu dân cư để giúp bà con có môi trường sống trong sạch, không lo bệnh tật và ô nhiễm môi trường”, chị H’Bliô Niê nói.

 

Gia đình chị H' Bliô Niê sống cạnh khu mộ của buôn Sút M'đưng.
Gia đình chị H' Bliô Niê sống cạnh khu mộ của buôn Sút M'đưng.

 

Theo phản ánh của người dân, mồ mả chôn cất lộn xộn và rải rác khắp nơi là có nguồn gốc từ thời kỳ trước giải phóng, lúc đó đất đai còn nhiều cây rừng, bà con vào khai hoang phát nương làm rẫy, xây dựng nhà cửa để làm ăn sinh sống, khi có người mất thì chôn cất kề bên. Sau này dân cư phát triển, đất đai thu hẹp, người dân ở lấn vào khu vực có mồ mả và chôn cất thêm.

 
"Thời gian qua có một số nhà đầu tư đã về địa phương khảo sát đầu tư, nhưng do thấy mồ mả khắp nơi nên họ cũng không dám đầu tư. Mới đây, Công ty TNHH Đầu tư du lịch và thương mại Đam San đã khảo sát để đầu tư Dự án du lịch sinh thái cộng đồng của hoa hậu H’Hen Niê và phát triển du lịch suối Đắk Bly nhằm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động địa phương, nhưng dự án này khó khả thi nếu chưa di dời được các khu mộ ở trong khu dân cư".
 
Ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê

Quan trọng hơn, theo phong tục của người dân địa phương, mỗi buôn có một nghĩa trang. Buôn nào cũng giữ đất để làm nghĩa trang vì sợ người trong buôn chết không có đất để chôn. Buôn Sút M’grư có nghĩa trang cạnh đường liên thôn, giờ đã hết đất, bà con trong buôn đang lo lắng, người "đi trước" đã an phận, người "đi sau" không biết chôn ở đâu, chỉ còn cách chôn ở vườn rẫy của gia đình.

Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Suê cho hay: Năm 2012 xã đã quy hoạch 7 ha ở thôn 1, đoạn giáp ranh đồi Cư Suê để làm nghĩa trang tập trung, hiện có 3 ha là đất nghĩa địa, còn 4 ha đang là đất trồng cây lâu năm của người dân, chưa thể giải phóng mặt bằng.

Xã cũng đã tiến hành đóng cửa 4 nghĩa trang (buôn Sút M’grư, buôn Sút M’rang, buôn Sút H’luốt và thôn 3), hiện còn 8 nghĩa trang vẫn đang hoạt động. Xã Cư Suê đã đầu tư 2 tỷ đồng để nâng cấp tuyến đường dài gần 1,5 km, đoạn từ Bưu điện trung tâm xã đến nghĩa trang thôn 1 và thôn 2 nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại mai táng và thăm viếng thuận lợi; đồng thời triển khai nhiều hình thức tuyên truyền vận động các gia đình có người chết mới di chuyển về khu nghĩa trang tập trung để chôn cất, còn mồ mả trước đây sẽ di chuyển dần để phù hợp với tâm linh người đã mất.

Theo kế hoạch, trong năm 2021 xã tiếp tục đóng cửa nghĩa trang buôn Sút M’đưng và chọn buôn này làm điểm trong việc di dời mồ mả ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên việc quy hoạch nghĩa trang tập trung còn gặp rất nhiều khó khăn, bởi xã không có kinh phí để đền bù và giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, nhận thức của người dân ở một số buôn còn hạn chế, không muốn sang buôn khác để chôn, điều này đang là vấn đề nan giải đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.

 

Mộ rải rác bên Tỉnh lộ 8.
Mộ rải rác bên Tỉnh lộ 8.

 

Thiết nghĩ, để xây dựng được nghĩa trang tập trung, ngoài nguồn kinh phí cho thực hiện giải phóng mặt bằng, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động nhân dân. Bên cạnh đó, cần đưa chế tài về bảo đảm vệ sinh môi trường vào hương ước, quy ước làng văn hóa; ban hành quy định quản lý nghĩa trang nhân dân theo quy hoạch; đồng thời xử lý nghiêm việc vi phạm về đất đai nếu đặt mộ sai quy định... Có như vậy thì xã Cư Suê mới thực sự có một diện mạo nông thôn mới kiểu mẫu, hấp dẫn các nhà đầu tư và du khách đến tham quan.

  Thanh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.