Multimedia Đọc Báo in

Phát triển BHXH tự nguyện: Cần linh hoạt, vận dụng sáng tạo ngay từ cơ sở

11:13, 18/05/2021

Trong bối cảnh đại dịch COVID -19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội và tác động không nhỏ tới công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã chủ động, nỗ lực vượt khó, thực hiện các giải pháp truyền thông, vận động sáng tạo, phù hợp, đảm bảo "mục tiêu kép”, vừa mở rộng hiệu quả diện bao phủ, vừa đảm bảo đúng các quy định về phòng chống dịch.

Nỗ lực phát triển đối tượng tham gia

Năm 2017 (trước thời điểm có Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH), số người tham gia BHXH tự nguyện trên cả nước là 224 nghìn người.

Từ khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh qua từng năm. Cụ thể, 2018 số người tham gia BHXH tự nguyện đạt trên 277 ngàn người; năm 2019 là gần 574 nghìn người, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Đáng chú ý, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại, đánh dấu bước ngoặt mới trong công tác phát triển người tham gia BHXH của ngành BHXH Việt Nam.

Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cũng như thiên tai, lũ lụt tại miền Trung, Tây Nguyên nhưng nhờ thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ, kịp thời, ngành BHXH Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được những kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt trong công tác mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện với số người tham gia đạt 1,128 triệu người (tăng 554 nghìn người, gấp hai lần so với năm 2019), đạt khoảng 2,1% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.

 

Nhân viên BHXH huyện Krông Pắc tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện cho người dân trên địa bàn.
Nhân viên BHXH huyện Krông Pắc tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện cho người dân trên địa bàn (Ảnh chụp trước ngày 27-4)

 

Sang năm 2021, dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng ngay từ đầu năm, toàn ngành BHXH Việt Nam đã áp dụng các giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Nhờ đó, đến hết tháng 4-2021, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,12 triệu người (giảm nhẹ so với cuối năm 2020, nhưng vẫn tăng 527 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020).

Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp phù hợp với thực tiễn

Tháng 5-2021 là năm thứ hai triển khai tổ chức thực hiện “Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân” theo Quyết định số 1676/QÐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Ðề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH. Việc tổ chức “Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân” nhằm tạo điểm nhấn mạnh mẽ trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH; thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân đối với chính sách BHXH, đặc biệt là chính sách BHXH tự nguyện; tuyên truyền, khuyến khích vận động người dân tham gia BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; truyền thông, phổ biến, giáo dục, động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia BHXH cho người lao động.

Theo đó “Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân” năm nay được ngành BHXH Việt Nam đẩy mạnh truyền thông với chủ đề “BHXH cho tất cả mọi người lao động”, gắn với các nội dung truyền thông về vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, đặc biệt nhấn mạnh về quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, qua đó, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa như: “Hướng tới mục tiêu thực hiện BHXH toàn dân là góp phần xây dựng sự nghiệp an sinh bền vững”; “Tham gia BHXH là đầu tư cho tương lai”; “BHXH giúp bạn giảm bớt khó khăn về tài chính khi gặp rủi ro trong cuộc sống”; “Lương hưu và BHYT - Chỗ dựa tài chính lúc tuổi già”; “Tham gia BHXH là bảo vệ cuộc sống của mỗi gia đình”… hướng tới nhóm đối tượng đích gồm người nông dân, người lao động khu vực phi chính thức.

 

Cán bộ BHXH huyện Krông Bông và đại lý thu BHXH, BHYT tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình về
Cán bộ BHXH huyện Krông Bông và đại lý thu BHXH, BHYT tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện (Ảnh chụp trước ngày 27-4)

 

“Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân” năm nay phấn đấu hoàn thành đạt chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH nói chung cũng như BHXH tự nguyện nói riêng trong tháng 5 và năm 2021, do đó, ngoài việc tiếp tục tham gia đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHXH Việt Nam xác định phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển người tham gia, đó là: tăng cường sự phối hợp vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH tự nguyện; xây dựng kế hoạch cụ thể, thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia cho từng xã, phường, đại lý thu. Rà soát, phân loại và có số liệu chi tiết đối với các nhóm tiềm năng (theo độ tuổi, giới tính, công việc và thu nhập...) để tập trung tuyên truyền vận động có hiệu quả.

Đồng thời tiếp tục đa dạng hóa các hình truyền thông như tổ chức hội nghị, hội thảo, hội thi, tư vấn, đối thoại trực tiếp, chú trọng tuyên truyền, vận động trực tiếp tại cơ sở theo các nhóm đối tượng; tiếp tục đào tạo hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền vận động cho đội ngũ đại lý thu và giao chỉ tiêu cụ thể hằng tuần, tháng cho từng đại lý; tập trung rà soát, dừng triển khai đối với các điểm thu chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định; chú trọng việc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các cơ quan, tổ chức đóng góp, hỗ trợ, mua tặng sổ BHXH tự nguyện cho người dân nhằm hướng đến tính bền vững của chính sách an sinh xã hội cho nhân dân.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT tháng 5-2021, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành phối hợp với cơ quan Bưu điện cần linh hoạt, vận dụng các biện pháp sáng tạo ngay từ cơ sở; phát huy hơn nữa vai trò tham mưu của cơ quan BHXH, huy động sự tham gia của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn trong công tác phát triển người tham gia.

Ông Trần Đình Liệu cũng nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh có thể kéo dài và phức tạp, các đơn vị phải xác định rõ tâm lý đối diện với khó khăn một cách thường xuyên; nâng cao hơn nữa việc dự báo trước những biến động ở từng quý, từng năm, giai đoạn 3 năm; xác định chi tiết các nhóm đối tượng tiềm năng để có kế hoạch và cách tiếp cận, cách làm hợp lý, hiệu quả. Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh, thành phố cũng cần xây dựng kịch bản truyền thông cho từng nhóm đối tượng, với nội dung, hình thức truyền thông cụ thể, phù hợp với đặc điểm tâm lý, mức thu nhập của nhóm đối tượng để truyền thông, vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đạt hiệu quả.

Kim Hoàng

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.