Multimedia Đọc Báo in

Những câu chuyện ấm lòng mùa dịch

08:18, 08/06/2021

Dịch COVID-19 đã quay trở lại với diễn biến phức tạp. Chưa đầy một tháng qua, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 4 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, với tinh thần tương thân, tương ái, nhiều cá nhân, tổ chức đã và đang chung tay sẻ chia, cùng cộng đồng đẩy lùi đại dịch.

Mới đây, em Huỳnh Thị Ngọc Hân (học sinh lớp 3E, Trường Tiểu học Lê Lợi, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk) đã xung phong ủng hộ 500 nghìn đồng vào Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 khiến nhiều người cảm động.

Người dân huyện Krông Búk nhận gạo từ chương trình
Người dân huyện Krông Búk nhận gạo từ chương trình "ATM Gạo nghĩa tình" năm 2020.

Thầy Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi kể, vào sáng 1-6, khi vừa đến trường đã thấy một học sinh đứng chờ và tiến đến lễ phép gửi cho thầy một bì thư. Mở ra, trong đó có một bức thư kèm theo 500 nghìn đồng. Sau khi đọc xong thư, thầy hết sức bất ngờ và xúc động.

Nội dung lá thư có đoạn: “Vừa qua, em có nghe trong ti vi, bác Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ra lời kêu gọi toàn dân: Ai có của thì góp của, ai có công thì góp công, ai có gì góp nấy tùy sức. Niên học vừa qua, em đã được nhà trường thưởng 250 nghìn đồng. Ở nhà ông bà cũng thưởng cho em thêm 250 nghìn đồng. Tiền này em nhờ quý thầy cô chuyển đến quỹ COVID-19: năm trăm nghìn đồng để đóng góp một phần nhỏ bé của em. Cầu mong đất nước sớm vượt qua đại dịch để chúng em được đến trường một cách an toàn”. Được biết em Ngọc Hân là học sinh có thành tích cao trong học tập nhiều năm liền, dù chỉ là một học sinh lớp 3 nhưng em đã có một hành động đẹp, biết sẻ chia trong đại dịch, đáng được biểu dương.

Đắk Lắk là địa phương đang có dịch COVID-19, hơn lúc nào hết tinh thần tương thân tương ái của nhân dân thời điểm này lại càng được nâng cao. Đơn cử như khi khu vực hẻm 189/1 Mai Hắc Đế (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) bị phong tỏa do có ca mắc COVID-19 vừa qua, nhiều chủ nhà trọ đã miễn hoặc giảm bớt một phần tiền phòng cho người thuê; các nhà hảo tâm đã hỗ trợ gần 50 triệu đồng tiền mặt, hơn 5 tấn rau, củ, quả, gần 1,5 tấn gạo và nhiều nhu yếu phẩm các loại khác cho người dân trong khu phong tỏa.

Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tổ chức
Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tổ chức "giải cứu" bí đỏ cho nông dân huyện Ea Kar và Cư Kuin. Ảnh: Vân Anh

Hay trước sự ảnh hưởng của dịch bệnh tới giá cả và đầu ra cho các loại nông sản, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã và đang vào cuộc giúp nông dân huyện Ea Kar, Cư Kuin và tỉnh Sóc Trăng… tiêu thụ sản phẩm bí đỏ, hành tím bị tồn đọng. Nhiều điểm bán nông sản ở các địa phương đã được thành lập. Thông qua sự kết nối, kêu gọi, hàng chục tấn bí đỏ, hành tím đã được “giải cứu”, hỗ trợ được phần nào cho người dân.

Còn nhớ trong những đợt dịch COVID-19 trước đây, cùng với ủng hộ bằng tiền mặt, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực giúp sẻ chia trong đại dịch. Đó là những chiếc khẩu trang, tấm chắn giọt bắn tự làm để gửi đến người dân và tuyến đầu chống dịch; là những điểm phát quà, nhu yếu phẩm miễn phí khắp các huyện, thị xã, thành phố; là các “ATM gạo nghĩa tình” phát gạo miễn phí cho người nghèo; …

Với sự chung tay của cả cộng đồng, hy vọng chúng ta sẽ sớm vượt qua đại dịch.

Huyền Diệu


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.