Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Cần những "rào chắn số" từ đô thị
Trong đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ tư này, các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đều phát hiện có ca lây nhiễm trên địa bàn, phải thực hiện giãn cách xã hội một phần để ngăn chặn lây lan. Vậy làm sao để những đô thị khác có thể chủ động ngăn ngừa được nguy cơ từ đầu?
Câu hỏi này thật sự rất cần thiết đặt ra với Buôn Ma Thuột, thành phố nằm giữa các trục giao lưu đi lại của Tây Nguyên.
Cách ly đô thị: Tổn thất không nhỏ!
Còn nhớ tháng 8-2020, TP. Buôn Ma Thuột từng phải tiến hành cách ly nhiều khu vực trong thành phố, khi phát hiện có đối tượng dương tính với COVID-19, có lịch trình tiếp xúc nhiều người và đi lại nhiều nơi trên địa bàn. Cả một phường Tân Lập đã bị khoanh vùng, thực hiện giãn cách xã hội toàn diện theo Chỉ thị 16. Đợt cách ly này ảnh hưởng không nhỏ đến cư dân thành phố cũng như hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch.
Giám đốc một nhà hàng hải sản ở trung tâm thành phố tâm sự, nguyên tắc kinh doanh nhà hàng là phải luôn gối đầu, đặt mua trước các đơn hàng cung ứng ít nhất một tuần. Do đó, khi nhà hàng buộc phải tạm dừng để phòng dịch, hàng hóa vẫn đang vận chuyển mà hải sản thì không thể bảo quản lâu ngày được. Hậu quả chỉ một đợt cách ly ngắn, doanh nghiệp mất 4 đơn hàng hải sản, thiệt hại rất lớn. Nhiều đơn hàng nông sản, thương mại của bà con nông dân địa phương sau đó còn bị đình đốn, bị chậm trễ giao nhận, ách tắc về lưu thông, tổn hại kinh tế và tinh thần của người dân không thể đo đếm được.
Cán bộ Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Kim Hoàng |
Một lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Nhiều người chỉ nghĩ đơn giản về mặt y tế tạo ra những rào chắn phòng dịch là ổn, sau 14 ngày giới hạn có thể hoạt động lại bình thường. Nhưng thực chất, tổn hại từ việc cách ly đô thị là rất lớn. Doanh nghiệp bị tổn thất trong làm ăn, người dân thì bất tiện trong sinh hoạt”.
Từ thực tế đó, vấn đề làm sao phòng ngừa dịch bệnh ngay từ đầu để tránh rủi ro được doanh nghiệp và người dân Buôn Ma Thuột rất quan tâm.
“Rào chắn số” sẽ chủ động hơn?
Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó, ông Trần Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Đà Nẵng cho biết, ngày 9-6-2021 TP. Đà Nẵng đã nới lỏng giãn cách xã hội sau 21 ngày phòng dịch chặt chẽ. Với kinh nghiệm trải qua 4 đợt dịch bệnh, đây là kết quả đáng mừng của địa phương trong phòng ngừa. Bài học chính là địa phương phải chủ động tạo được các lớp rào chắn hiệu quả để khoanh vùng dập dịch và cách ly. Trong đó, “rào chắn số” là biện pháp tích cực nhất, có thể làm bài học cho các địa phương khác.
“Rào chắn số” này, theo ông Thạch, chính là ứng dụng các giải pháp công nghệ số để nâng cao năng lực tầm soát dịch bệnh. Trước hết, đó là các bản đồ số, cơ sở dữ liệu truy vết từ dữ liệu công dân qua khai báo y tế, sử dụng các phần mềm hỗ trợ như Bluezone. Sau đó, TP. Đà Nẵng đã tổ chức xây dựng hệ thống mã QR tập hợp dữ liệu cá nhân trong cộng đồng, giúp người dân đăng ký thông tin để truy vết hằng ngày. Cuối cùng, địa phương triển khai các thiết bị truy vết cá nhân qua mã QR, tạo mạng lưới “rào chắn số” đồng bộ và liên tục trên toàn địa bàn.
Hiện tại, Đà Nẵng đã đặt các thiết bị này tại các chốt ngăn ngừa dịch bệnh, giúp các tài xế, công dân đi lại khai báo y tế đầy đủ, sử dụng điện thoại trực tuyến khi đi ngang qua là bắt tín hiệu bluetooth, lập tức định vị được cá nhân. “Chỉ cần một máy điện thoại cài Bluezone đặt ở trạm, ai đã cài app sẽ được xác minh ngay, cứ thế tự động đi qua không dừng lại kiểm tra gì hết. Giao thông như thế sẽ thông suốt, lại tránh để lực lượng bảo vệ khỏi phải tiếp xúc gần ai”, ông Thạch giải thích.
Nhân viên Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh hướng dẫn người dân khai báo y tế bằng mã QR. Ảnh: Mỹ Hạnh |
Rõ ràng với cách thiết lập cơ sở dữ liệu và dùng thiết bị số để truy quét, xác minh cá nhân này, việc khoanh vùng bảo vệ các khu vực dân cư, điểm cần kiểm soát dịch tễ sẽ thực thi được ngay. Qua đó, Đà Nẵng đã tổ chức tốt 3 vòng bảo vệ địa bàn, vòng ngoài tránh người ngoài xâm nhập, vòng hai kiểm soát hoạt động người dân và vòng ba đặt ở các khu cách ly, cấm ngặt ra vào. Việc phong tỏa dịch bệnh theo đó sẽ hiệu quả, địa phương không cần triển khai giãn cách xã hội, hoạt động dân sinh vẫn diễn ra bình thường, không cản trở đời sống kinh tế.
Theo Sở Thông tin - Truyền thông Đắk Lắk, những kinh nghiệm ứng dụng từ thực tiễn như ở Đà Nẵng rất đáng ghi nhận, cần tiếp cận và triển khai nhanh với những địa bàn đang đứng trước nỗi lo dịch bệnh uy hiếp như Buôn Ma Thuột. Nếu có thể tạo được những "hàng rào kỹ thuật số", sử dụng công nghệ trong tầm soát dịch bệnh từ đầu, chắc chắn vừa nâng cao nhận thức ở người dân vừa chủ động phòng dịch từ nguy cơ ban đầu. Có như vậy, TP. Buôn Ma Thuột cũng như những đô thị khác, mới thực sự an toàn hơn!
Nguyên Đức