Multimedia Đọc Báo in

Trợ lực để phụ nữ khởi nghiệp (kỳ 2)

11:30, 18/06/2021

[links()]

Những "rào cản" cần tháo gỡ

 

Bên cạnh những thành công khi tham gia vào chương trình khởi nghiệp, hoạt động khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp của phụ nữ vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức.

 

Rào cản trong nhận thức

Khó khăn dễ thấy, mà khó vượt qua thường đến từ chính phía gia đình, người thân bởi vì nhiều người vẫn có quan niệm chưa đúng về vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Cách đây 2 năm, chị H.T.P. (TP. Buôn Ma Thuột) bỏ công việc trong cơ quan Nhà nước với mức thu nhập ổn định để khởi sự kinh doanh với hai bàn tay trắng. Mặc dù bị những nguời thân phản đối ngay khi vừa đưa ra ý tưởng nhưng chị vẫn quyết tâm thực hiện. Những năm đầu gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm kinh doanh, lại không nhận được sự hỗ trợ từ gia đình, chị P. gần như một mình "chèo chống" trên con đường khởi nghiệp. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, dần dần chị đã thành công. Đến nay chị P. đã xây dựng được chuỗi cơ sở kinh doanh cháo dinh dưỡng được người tiêu dùng đón nhận, với 3 cửa hàng trên địa bàn thành phố, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cán bộ, hội viên phụ nữ tham quan mô hình khởi nghiệp của phụ nữ huyện Krông Ana.
Cán bộ, hội viên phụ nữ tham quan mô hình khởi nghiệp của phụ nữ huyện Krông Ana.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ nghị lực, kiên trì để vượt qua khó khăn như chị P. Chị HN.B (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) cũng vấp phải sự phản đối từ chính những người thân trong gia đình ngay từ khi đưa ra ý tưởng khởi nghiệp. Vốn là người dân tộc Êđê, lại sinh sống ở địa bàn có nhiều danh lam thắng cảnh, mấy năm trước chị HN. đã có ý tưởng phát triển du lịch cộng đồng gắn với nghề dệt thổ cẩm và may trang phục truyền thống để vừa phát triển kinh tế gia đình, lại giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng chị không nhận được sự ủng hộ từ gia đình với hàng loạt những lý do như chưa có kinh nghiệm, không biết cách sử dụng vốn, làm ăn dễ bị thua lỗ, không có thời gian chăm sóc con cái, ảnh hưởng đến gia đình... "Nghe những lời phản đối của mọi người, tôi mất hết tinh thần. Đứng trước hàng loạt câu hỏi thì mới thấy đúng là mình chưa biết gì về kinh doanh, tôi càng nản chí hơn nên đành từ bỏ ý tưởng khởi nghiệp", chị HN. tâm sự.

"Toàn tỉnh hiện có 2.347 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trong và ngoài tỉnh. Do vậy, nếu không tháo gỡ được rào cản mà phụ nữ phải đối mặt khi khởi nghiệp, chúng ta đang bỏ lỡ một cơ hội tiềm năng về phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thu Nguyệt

Tại các diễn đàn “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, “Chia sẻ kinh nghiệm trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh”, hay tại các buổi tọa đàm do Hội LHPN các địa phương tổ chức, đa số các chị em đều bày tỏ mong muốn được khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, không còn muốn tự bó hẹp mình trong các công việc gia đình. Tuy nhiên, do không có được sự ủng hộ mạnh mẽ của gia đình nên nhiều chị không có cơ hội bắt tay vào thực hiện.

 

Khó khăn trong gọi vốn đầu tư

Khởi nghiệp với mô hình sản xuất rượu cần từ năm 2019, chị H’Biêr Mlô (buôn Tlung, thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) đã từng bước đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Hiện tại, bình quân mỗi tháng cơ sở của chị sản xuất khoảng 50 ché rượu cần theo đơn đặt hàng, những tháng dịp lễ, Tết thì số lượng nhiều hơn. Nhận thấy mô hình này khá hiệu quả nên chị muốn mở rộng thêm, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, chị không có vốn cũng như chưa tiếp cận được nhiều nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường...

Chị H’Biêr tâm sự: “Với khát vọng khởi nghiệp bằng nghề làm rượu cần truyền thống nhằm góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, bản thân tôi luôn đặt tiêu chí ngon, sạch, sử dụng nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên với cách ủ gia truyền để tạo nên những ché rượu cần mang vị ngọt tự nhiên. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh như hiện nay, ngoài mong có nguồn vốn, tôi cũng mong muốn được hỗ trợ tập huấn nâng cao kiến thức về kỹ thuật, kinh tế và vấn đề xử lý môi trường nhằm nâng cao hiệu quả của nghề, cải tiến sản phẩm, chú trọng phát triển mẫu mã nhằm gây ấn tượng với người tiêu dùng”.

Hội LHPN tỉnh tổ chức chương trình thẩm định kế hoạch kinh doanh của hội viên.
Hội LHPN tỉnh tổ chức chương trình thẩm định kế hoạch kinh doanh của hội viên.

Đại diện cho một cơ sở sản xuất các sản phẩm hóa mỹ phẩm từ nguyên liệu thảo dược theo phương pháp truyền thống, chị Nguyễn Thị Trang (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) đã tham gia Cuộc thi khởi nghiệp của phụ nữ năm 2021. Chị Trang cho biết: Cơ sở muốn thành lập hợp tác xã để thuận lợi hơn trong liên kết sản xuất cũng như bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm; tuy nhiên, cơ sở không có nhiều vốn, chưa có quỹ đất để hình thành vùng nguyên liệu cũng như kinh phí quảng bá, tìm thị trường mới...

Đó cũng là mong muốn chung của rất nhiều chị em đã và đang khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, một trong những khó khăn họ phải đối mặt là gọi vốn đầu tư, nguyên nhân một phần là vẫn còn tồn tại định kiến về vai trò nữ giới trong xã hội. Vì thế, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường có quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ (chủ yếu là hộ gia đình), có sức cạnh tranh thấp. Theo thống kê của cơ quan chức năng, doanh nghiệp do nữ làm chủ có quy mô lớn trong cả nước chỉ chiếm 19,8%.

Để khởi nghiệp thành công, ngoài sự nỗ lực của bản thân, phụ nữ rất cần được hỗ trợ vượt qua rào cản từ nhiều phía.

Vân Anh