Cụm dân cư thôn Ea Bar, gần 25 năm định cư vẫn chưa... ổn định
Hơn 40 hộ đồng bào dân tộc Mông ở tỉnh Hà Giang vào định cư tại vùng đất giáp ranh giữa thôn Ea Bar của xã Cư Pui và buôn Tơng Rang B của xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) từ năm 1997.
Đến nay, đã gần 25 năm định cư nhưng cuộc sống của các hộ dân ở đây vẫn chưa ổn định. Cụm dân cư này hiện vẫn trong tình trạng "5 không": không đường, không điện lưới, không nước sạch, không giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không điểm trường.
Cùng ở trong cụm dân cư, trên cùng trục đường song hơn 40 hộ dân lại thuộc sự quản lý của hai địa phương khác nhau. Diện tích đất mà các hộ dân của hai địa phương đang định cư, trước đây thuộc quyền quản lý của Lâm trường Krông Bông và thuộc địa bàn thôn Ea Bar, xã Cư Pui. Một số hộ dân vào định cư trước đăng ký hộ khẩu ở xã Cư Drăm; số hộ vào sau thì đăng ký hộ khẩu về xã Cư Pui. Đến nay cụm dân cư này có 19 hộ có hộ khẩu ở đội 5, thôn Ea Bar (xã Cư Pui) và 21 hộ có hộ khẩu ở đội 1, buôn Tơng Rang B (xã Cư Drăm).
Ông Phàn A Chúng, đội trưởng đội 1 buôn Tơng Rang B (xã Cư Drăm) cho hay: “Hiện nay trong đội 1 của buôn Tơng Rang B còn có gần chục hộ tuy đã làm nhà ra ở riêng nhưng chưa tách được sổ hộ khẩu do không xác định được đất ở. Tất cả các hộ dân trong đội 1 của buôn Tơng Rang B đều thuộc diện hộ nghèo”.
Hơn 20 hộ đồng bào dân tộc Mông ở đội 5, thôn Ea Bar (xã Cư Pui) định cư từ năm 1997 vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. |
Việc đi lại trên đoạn đường hơn 2 km trong khu dân cư này rất vất vả, nhất là vào mùa mưa vì đường vừa dốc lại trơn lầy. Những cây cầu tạm do người dân tự làm bắc qua các con suối vào mùa mưa đều bị ngập hoặc bị lũ cuốn trôi, người dân không qua lại được. Việc học của học sinh ở đây cũng gặp nhiều khó khăn. Từ cụm dân cư đến điểm trường mẫu giáo và tiểu học của hai xã Cư Pui và Cư Drăm có khoảng cách tầm 5 km, những gia đình có điều kiện thì hằng ngày chở con đi học, còn những gia đình khó khăn thì mượn đất làm lều tạm gần trường để con em trọ học. Anh Giàng Văn Chính, đội trưởng đội 5, thôn Ea Bar (xã Cư Pui) bày tỏ: “Ngoài việc mong muốn cấp trên quan tâm làm đường, kéo điện, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bà con ở đây cũng cần mở điểm trường để các cháu nhỏ đi học đỡ vất vả hơn”.
Hiện hơn 20 hộ đồng bào Mông ở đội 5, thôn Ea Bar của xã Cư Pui, định cư từ năm 1997, cuộc sống còn rất khó khăn. |
Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui
|
Nước sinh hoạt cũng là vấn đề nan giải vì đa số gia đình ở trên cao, không đào được giếng. Gần đây một số hộ ở gần nhau đã góp tiền khoan giếng, mua máy nổ để bơm nước về dùng song đa số giếng khoan nước bị nhiễm phèn. Điểm dân cư chỉ cách đường điện vài cây số nhưng đến nay người dân vẫn chưa được dùng điện lưới. Các hộ dân cho hay, do chưa được đưa vào dự án cấp điện nên nếu muốn kéo điện thì các hộ phải tự đóng góp khoảng 600 triệu đồng để hạ thế, trong khi điều kiện của người dân ở đây còn nhiều khó khăn nên đành chịu. Anh Giàng Seo Sì ở đội 5, thôn Ea Bar (xã Cư Pui) than thở: “Do không có điện lưới nên hơn 40 hộ đồng bào dân tộc Mông của thôn Ea Bar, xã Cư Pui và đội 1 buôn Tơng Rang B, xã Cư Drăm không hộ nào có ti vi hay vật dụng gì dùng điện. Một số hộ có điều kiện thì tự mua pin năng lượng để thắp sáng”.
Các hộ dân ở đây định cư hơn 20 năm nhưng chưa gia đình nào có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Tráng Quý Thành cùng gia đình vào định cư ở thôn Ea Bar từ đầu năm 1997. Hiện nay, gia đình ông và 4 đứa con đã tách ra làm nhà riêng ở gần nhau cùng với hơn 7 ha đất canh tác trồng cà phê, sắn, lúa, dứa, keo nhưng cả đất ở, đất canh tác đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo ông Thành, bà con trong cụm dân cư rất mong được cấp trên quan tâm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để yên tâm định cư và có sổ đỏ thế chấp vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất.
Tùng Lâm