Multimedia Đọc Báo in

Đằng sau những chuyến xe hỗ trợ vùng dịch…

09:17, 25/07/2021

Những ngày qua, phong trào “Chung tay hỗ trợ rau, quả, nhu yếu phẩm thương tặng TP. Hồ Chí Minh” của nhóm Rau 47 do chị Nguyễn Thị Thái Thanh (tại địa chỉ 47 Dương Vân Nga, TP. Buôn Ma Thuột) khởi xướng, điều hành đã quyên góp được hơn 100 tấn hàng rau quả, nhu yếu phẩm hỗ trợ cấp thiết cho bà con khó khăn, đang bị phong tỏa do dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác.

Kết quả này là nỗ lực rất lớn của nhóm Rau 47, các doanh nghiệp và cá nhân, mạnh thường quân trong và ngoài địa phương. Và ít ai biết rằng đó còn là sự đóng góp không nhỏ về tâm sức của chị Nguyễn Thị Thái Thanh, chủ cơ sở Rau 47.

Tiếp nhận, vận chuyển rau, củ quả, nông sản gửi đến vùng dịch.
Tiếp nhận, vận chuyển rau, củ quả, nông sản gửi đến vùng dịch.

Từng có kinh nghiệm tổ chức các hoạt động hỗ trợ TP. Đà Nẵng trong mùa dịch COVID-19 trước đây song với lần phát động phong trào “Chung tay hỗ trợ rau, quả, nhu yếu phẩm thương tặng TP. Hồ Chí Minh” này, chị Thanh không khỏi lo lắng.

Bởi TP. Hồ Chí Minh mật độ dân cư lớn, dịch COVID-19 lại đang diễn biến ngày càng phức tạp, nhu cầu quá lớn mà nhân lực của nhóm Rau 47 thì có hạn, phần lớn các thành viên đều có công việc riêng, không phải lúc nào cũng “cần là có”.

Bên cạnh đó, còn là nỗi lo lắng từ việc “kêu gọi” như thế nào vừa hiệu quả, vừa không vi phạm các quy định; nguồn hàng ở đâu thì đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn, chất lượng; trao tặng nơi nào trước, nơi nào sau theo mức độ cấp thiết.

Khó khăn lớn nữa là vấn đề điều hành xe tải chuyên chở hàng hóa tiếp nhận từ các cơ sở về địa điểm tập kết tại số 47 đường Dương Vân Nga, xe chuyển giao hàng hóa đến tận các quận, phường, khu vực bị phong tỏa đã đăng ký hỗ trợ tại TP. Hồ Chí Minh.

Phải làm thế nào để bảo đảm sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho các tài xế, cho đội ngũ xuống cơ sở thu gom, tiếp nhận rau củ quả mà không làm lây lan dịch bệnh. Đồng thời, với vai trò trưởng nhóm, chị Thanh cũng phải dự kiến mỗi ngày bao nhiêu tấn để chia đều cho các nơi có nhu cầu cấp thiết mà không gây ra sự mất cân đối, làm “chạnh lòng” một số nơi nhận hàng chậm hơn... Trăm mối lo lắng mà người điều hành chung phải vắt óc suy tính.

Hơn 100 tấn rau củ quả đã được nhóm Rau 47 tiếp nhận để gửi đến người dân vùng dịch.
Hơn 100 tấn rau củ quả đã được nhóm Rau 47 tiếp nhận để gửi đến người dân vùng dịch.

Tất cả những băn khoăn, lo lắng ấy đã được chị Thái Thanh tìm cách giải quyết, tháo gỡ. Trong đó có sự phối hợp, chung tay góp phần không nhỏ của các cộng sự đầy kinh nghiệm ở mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực. Đơn cử như nhóm thiện nguyện Ea Kao của bạn Nguyễn Tài Nam và một số hội, đoàn thể khác đã tích cực liên kết với nông dân thu gom, tiếp nhận rau, quả, nhu yếu phẩm ở cơ sở. Tất cả mọi người luôn năng động, sáng tạo và sẵn sàng xông pha để thu gom hàng hóa, rau quả kịp thời chuyển đến vùng dịch. Nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ từ bó rau, bao củ quả, đến cả vườn chuối xuất khẩu…, kể cả hỗ trợ bằng tiền nhờ mua rau quả gửi đến vùng dịch. Thậm chí một số người đang bị giãn cách trong vùng dịch cũng xin được đóng góp để nhóm mua thêm rau quả, nhu yếu phẩm cho bà con đang cần. Tình cảm ấy đã làm chị Thanh vô cùng xúc động, để rồi chị tiếp tục dấn thân vào công việc không biết mệt mỏi.

Tình hình dịch bệnh tại Đắk Lắk hiện cũng rất phức tạp. Trong tình cảnh khó khăn ấy, chị Thanh và nhóm Rau 47 của mình vẫn đang cố gắng khắc phục để tiếp tục gửi những yêu thương đến các vùng dịch. Chị hết mình với công việc này với niềm tin rằng chia sẻ, hỗ trợ, động viên cũng chính là cách để chiến thắng dịch bệnh…

Cẩm Lai


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.