Hướng tới cuộc sống xanh
Với mong muốn hướng tới cuộc sống xanh, đẩy lùi nạn ô nhiễm môi trường, thời gian qua, nhiều tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm hay, mang ý nghĩ thiết thực nhằm lan tỏa thông điệp vì môi trường.
Từ những thông điệp
Những ngày này, khi đi qua nhiều tuyến đường ở trung tâm TP. Buôn Ma Thuột hay các thị trấn, thị tứ trên địa bàn tỉnh, chúng ta sẽ không khó bắt gặp hình ảnh những họa sĩ đang miệt mài “ôm” trụ điện, bức tường và nắp hố ga để làm nên những bức bích họa đầy màu sắc.
Những khu vực trước đây nhếch nhác bởi rác thải hay những tờ quảng cáo, rao vặt dán trái phép thì nay được phủ lên mình sắc màu gần gũi, thân thương như hình ảnh cà phê, thổ cẩm hay là hoài hoa dã quỳ trên mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió.
Dễ thấy nhất có thể kể đến những bức bích họa ở đoạn đường Nguyễn Trác (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột). Anh Phạm Lê Phương, Bí thư Đoàn phường Tân Lợi cho hay, đoạn đường này trước đây là "điểm đen" tập kết rác thải của người dân, rất mất thẩm mỹ và mất vệ sinh.
Để thay đổi thói quen của người dân và truyền tải thông điệp "vì một môi trường xanh – sạch – đẹp", các đoàn viên, thanh niên và tình nguyện viên đã ra quân dọn dẹp rác thải và biến đoạn đường đầy rác trở thành tác phẩm mang ý nghĩa bảo vệ môi trường với chủ đề “Phục hồi hệ sinh thái”. Toàn bộ những bức tường trống với chiều dài hơn 15 m của người dân trên đoạn đường Nguyễn Trác được vẽ các hình ảnh rừng cây xanh, thành phố xanh – sạch – đẹp…
Các tình nguyện viên thực hiện đề án bích họa đường phố tại thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M'gar). |
Theo anh Phạm Thanh Tuấn, nhà sáng lập Công ty xã hội Bồ Công Anh, chương trình vẽ bích họa với chủ đề “Phục hồi hệ sinh thái” ở đường Nguyễn Trác (phường Tân Lợi) và bích họa đường phố ở thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) nằm trong Đề án Bích họa đường phố “Bản sắc Tây Nguyên” do Công ty xã hội Bồ Công Anh tư vấn và Công ty TNHH Thiết kế Kim Anh phối hợp các đơn vị thực hiện. Dự án hướng tới mục đích giải quyết vấn nạn tờ rơi quảng cáo, rao vặt dán trên cột điện, vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, giáo dục ý thức cộng đồng và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, hướng tới cuộc sống xanh trên địa bàn tỉnh.
Chị Trần Thị Kim Oanh, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế Kim Anh chia sẻ, những người trẻ như chị luôn mong muốn được đóng góp một phần công sức nhỏ bé để tô điểm cho không gian sống, nâng cao ý thức của đoàn viên, thanh thiếu nhi và nhân dân về chung tay bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần hướng tới cuộc sống xanh – sạch – đẹp.
Đến hành động đơn giản
Nhận thấy nguy cơ ô nhiễm môi trường do tác hại của pin cũ thải ra, anh Nguyễn Huy Thịnh, đoàn viên thuộc Chi đoàn Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh (Sở NN-PTNT) đã phát động thu gom pin cũ trong đơn vị. Đầu tiên, anh Thịnh tiến hành mô tả và nêu những tác hại của pin đã qua sử dụng như: pin điện thoại, đồng hồ, điều khiển từ xa, xe đạp điện… cho mọi người hiểu. Theo anh Thịnh, mỗi tháng, số lượng pin đã qua sử dụng mà chúng ta thải ra là rất lớn và ngày càng có xu hướng tăng nhanh. Pin sau khi sử dụng khó phân hủy, nó chứa rất nhiều hoá chất có hại cho sức khỏe. Pin này không thể vứt vào thùng rác cùng với các loại rác thải khác mà cần được thu gom và xử lý riêng. Thông thường, khi pin không còn giá trị sử dụng, chúng ta có thói quen vứt bừa bãi hoặc bỏ chúng vào thùng rác gia đình, để rồi người ta sẽ xử lý chúng bằng hai phương pháp: chôn lấp hoặc đốt. Tuy nhiên, cả hai cách xử lý này đều có vấn đề vì hóa chất trong lõi pin sẽ rò rỉ ra môi trường, gây nguy hại cho sức khỏe. Nếu chỉ được chôn lấp, các kim loại nặng chứa trong pin sẽ thấm vào đất và nguồn nước ngầm, gây ô nhiễm nguồn nước. Nếu đốt, các thành phần nguy hại trong pin sẽ bốc lên thành khói độc, hay chất độc còn đọng lại trong tro sẽ gây ô nhiễm không khí.
Từ hành động đơn giản là thu gom pin cũ, tôi mong muốn mọi người sẽ nâng cao ý thức hơn nữa trong bảo vệ môi trường, từ đó lan tỏa mạnh mẽ thông điệp “sống xanh” trong cộng đồng”.
Anh Nguyễn Huy Thịnh, đoàn viên Chi đoàn Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh
|
Từ ý tưởng của anh Nguyễn Huy Thịnh, Ban Chấp hành Chi đoàn Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã vận động đoàn viên, thanh niên và cán bộ trong đơn vị thu gom pin điện thoại, các loại pin đã qua sử dụng, pin cũ từ gia đình, người thân mang tập hợp để bỏ vào thùng thu gom. Anh Vũ Thanh Sơn Tùng, Bí thư Chi đoàn cho biết, hiện nay, Chi đoàn đã thiết kế và lắp đặt thùng thu gom pin cũ đặt tại tiền sảnh cơ quan với hình thức bắt mắt và dễ nhìn để mọi người đi qua đều nhìn thấy, dễ nhớ. Pin cũ, pin đã qua sử dụng sau khi được thu gom, đơn vị sẽ có trách nhiệm bàn giao đến địa điểm xử lý theo quy định. Hành động nhỏ này mang ý nghĩa truyền tải thông điệp luôn giữ gìn, bảo vệ môi trường sống cho bản thân và cộng đồng, hy vọng mọi người sẽ tích cực nâng cao ý thức thông qua việc thu gom, phân loại rác thải.
Những hình ảnh mang thông điệp bảo vệ môi trường được vẽ trên các bức tường ở thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M'gar). |
Thực tế cho thấy, việc thu gom pin cũ, pin đã qua sử dụng được đoàn viên, thanh niên và cán bộ, công nhân viên Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ và ngày càng lan tỏa. Trong thời gian tới, Chi đoàn Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh sẽ đề xuất với Đoàn cơ sở Sở NN-PTNT thiết kế các hộp đặt sẵn trong khuôn viên của Sở để thu gom pin cũ, pin đã qua sử dụng thường xuyên, liên tục nhằm hạn chế tối đa việc vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.
Khả Lê