Multimedia Đọc Báo in

Nhớ những ngày đưa voi Tánh Linh lên "nhà mới" Yok Đôn

14:57, 26/07/2021

Hôm rồi, một nhóm các nhà báo trẻ ở TP. Hồ Chí Minh khoe vừa từ Vườn Quốc gia Yok Đôn về, được đạp xe dưới tán rừng khộp để ngắm voi nuôi bán tự nhiên, thích ơi là thích.

Tôi gọi điện, hỏi anh em kiểm lâm của Vườn mới hay đấy là voi nhà, trước đây nuôi để phục vụ du khách cưỡi tham quan, nay Ban Quản lý thả về với rừng để chúng sống tự nhiên, tự tìm thức ăn, nước uống nhằm kích thích voi sinh sản. Nghe thế, tôi đã khăn gói định lên ngay Yok Đôn chỉ để tìm hiểu xem số voi từ rừng Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) di dời về đây dạo năm 2001 nay sao rồi. Tiếc là chưa kịp lên đường thì dịch COVID-19 ập đến, tới giờ vẫn không đi được.

Là vì tôi từng lăn lộn tham gia cùng lực lượng săn bắt đàn voi 9 con ở Tánh Linh lúc đó - gọi là đàn voi “điên” vì chúng liên tục hại chết quá nhiều người. Là vì tôi đã cưỡi chiếc xe Cub 81 già cỗi, một mình xuyên đêm, vượt trên 300 km để bám theo chiếc xe chuyển voi từ rừng Tánh Linh lên Vườn Quốc gia Yok Đôn lúc ấy, để hoàn thành một bài báo cho tròn trách nhiệm.

Khám phá Vườn Quốc gia Yok Đôn.    Ảnh: Hoàng Gia
Khám phá Vườn Quốc gia Yok Đôn. Ảnh: Hoàng Gia

Chiến dịch di dời đàn voi này bắt đầu từ trung tuần tháng 10-2001. Nhóm chuyên gia từ nước ngoài được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuê về săn bắt cũng đã có mặt từ đầu tháng 11. Nhưng, dù các chốt vệ tinh được lực lượng kiểm lâm dựng lên khắp nơi để ghi nhận sự xuất hiện của đàn voi thì mãi đến rạng sáng 23-11-2001, con voi đầu đàn mới xuất hiện và bị bắn gây mê lúc 9 giờ sáng. Khác với tập tính thường thấy của voi hoang dã, lần này cả đàn voi tháo chạy tứ tán, để mình con voi bị bắn nằm ở một lạch sâu vắt ngang qua núi Xả Dú và nhanh chóng bị xích cả 4 chân.

Rạng sáng 24-11-2001, con voi hồi tỉnh, lê chân kéo theo dây xích trốn vào một rừng tre, buộc các thợ săn phải bắn bồi thêm một phát súng gây mê để lực lượng hỗ trợ chuyển chuối, mía đến cho ăn. Kể từ đó, lực lượng chuyên gia và bảo vệ cùng hai con voi chiến đưa từ Đắk Lắk về là Y Kum và Y Lum phải ở lại luôn trong rừng để chăm sóc con voi này.

Một con đường dã chiến lập tức được ủi trong đêm để xe Reo tải trọng lớn có thể tiếp cận hiện trường. Nhưng khác với sự tán loạn của buổi sáng 23-11, đàn voi đã tập trung về với sự hung dữ khó tưởng, bao vây khu vực con voi đực đang bị khống chế và phá nát tất cả nương rẫy quanh đó. Lực lượng chuyên gia, bảo vệ suốt đêm không ai dám chợp mắt, phải tìm mọi cách xua đuổi đàn voi, không để chúng tiếp cận hại người.

Đưa con voi đầu đàn trong đàn voi
Đưa con voi đầu đàn trong đàn voi "điên" ở Tánh Linh về thả tại Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Đàn voi quần thảo suốt đêm, hú hét điên cuồng, chỉ chịu rút khi mặt trời lên. Bấy giờ, với sự hỗ trợ của hai voi nhà, 12 giờ trưa cùng ngày, đoàn chuyên gia săn bắt đã đưa được con voi đực lên xe để về Bàu Chồn - trung tâm chỉ huy của việc săn bắt đàn voi. Tại đây đã có chuồng dã chiến. Con voi đực trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh, được chuyên gia - bác sĩ Zainal hồi sức chăm sóc. Nó nặng khoảng 3 tấn, ngà dài 50 cm.

Nhưng nó không ở lâu trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Thuốc mê hết hiệu lực, nó bắt đầu quay lại bản năng hoang dã. Chuối, mía vứt vào cho ăn đều bị nó xé vụn, giẫm nát, cây cối trong tầm với bị nó giật tung gốc, vất tứ tán. Sáng 26-11-2001, ông Shariff Daim - Trưởng đoàn chuyên gia, phải lệnh cho bác sĩ Zainal 2 lần bắn thuốc mê nữa nó mới chịu dừng phá phách, hai mắt đỏ ngầu như muốn bật máu.

Tình thế buộc Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Bá Thụ phát lệnh chuyển ngay con voi này về Vườn Quốc gia Yok Đôn, để việc săn bắt các con voi còn lại được tiếp tục. Hai voi chiến Y Kum và Y Lum đang theo nhóm chuyên gia bám chân đàn voi, cách trung tâm Bàu Chồn 20 km, được điều gấp về để “cưỡng chế” con voi đực lên xe.

17 giờ ngày 26-11-2001, tranh thủ trời bắt đầu dịu nắng, chiếc xe Reo khởi hành với 2 tài xế với lực lượng bảo vệ, dẫn đường, cùng bác sĩ Zainal. Con voi đứng trên xe được ràng kỹ bằng 6 dây xích lớn, quanh voi được che bạt kín. Tôi lên xe máy bám theo, trực chỉ hướng Đắk Lắk.

Yok Đôn cuối tháng 11-2001.

Nhờ sự giúp đỡ của Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn là kỹ sư Ngô Tiến Dũng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Huỳnh Nghĩa Hiệp và cán bộ pháp chế Phạm Văn Đông, tôi vượt sông Sêrêpốk theo con đường 6B độc đạo trực chỉ hướng vùng lõi của vườn, nơi những con voi từ Tánh Linh sẽ được chuyển về.

Rừng khộp đang kỳ xanh lá sau mùa mưa. Trải ra trước mắt tôi là kiểu rừng kín thường xanh hơi ẩm nhiệt đới với tầng vượt tán được ưu thế hoàn toàn bởi kiền kiền và táu ruối; rồi kiểu rừng thưa cây lá rộng, rụng lá, khô nhiệt đới… Nhưng tôi đặc biệt chú ý đến những mảng rừng kiểu trảng bụi khô nhiệt đới hay quần hợp tre của vườn, với tre gai (Bambusa arundinacea) phân bố phổ biến thành dải, có bụi đường kính có thể lên đến 4 - 6 m với hàng trăm cá thể. Xen vào các trảng tre gai là loài bằng lăng (Lagerstroemia spp). Một cảm giác về sự mênh mông, ngan ngát mùi vị cây cỏ. Đấy mới là sinh thái cho voi, không như ở rừng Tánh Linh lúc này hầu như chỉ có cây cao su với rẫy hoa màu.

Voi được chuyển đến Vườn luôn là lúc rạng sáng để hạn chế những sự phát sinh dọc đường. Lực lượng chức năng phong tỏa toàn khu vực thả voi vì sợ bản năng hoang dã sẽ bùng lên dữ dội khi được thả về rừng. Quả thật, chỉ tiếp đất là chúng đã phóng thẳng vào rừng.

Rồi tôi may mắn có những đêm ngồi nghe dòng Sêrêpốk sôi réo cùng già làng Ama Kông của bản Đôn. Già rời bản Đôn về ở luôn trong một căn nhà gỗ có gác, trong khu vực trụ sở Ban Quản lý Vườn Quốc gia Yok Đôn. Bên ly rượu nồng, được nghe vua săn voi của Tây Nguyên kể chuyện voi thì không gì thú vị bằng...

Lương Duy Cường


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.