Multimedia Đọc Báo in

San sẻ yêu thương giữa đại dịch

09:15, 25/07/2021

“Kiếm tiền cả đời chứ đâu nhất thiết phải kiếm ngay lúc này đâu” là câu trả lời của anh Minh “râu” khi anh bị bạn hàng nhắn tin chê là dại dột, không tranh thủ bán hàng kiếm lời giữa lúc đại dịch căng thẳng.

Anh Minh “râu” không phải là đại gia, anh chỉ là một người buôn bán nhỏ lẻ ở khu chợ dành cho công nhân của Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (tỉnh Đồng Nai). Hình ảnh anh giữa sạp rau củ quả với những thông điệp bán hàng “độc, lạ” gây sốt cộng đồng mạng: “Rau muống đột biến 5 tỷ/bó, không cần bán gấp. Nay giảm giá chỉ còn 5 nghìn đồng/bó. Ai mua thì bán, ai xin thì cho”, hay: “Không đeo khẩu trang, bán đắt gấp đôi”, “Mang khẩu trang hở mũi, không thêm hành ngò”…

Bảy năm bán hàng cho công nhân và sinh viên, anh Minh không đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Đã có không ít lần anh trích lợi nhuận từ việc kinh doanh để mua rau củ tặng cho họ. “Tôi không nhận tiền hỗ trợ của ai trong hoạt động tặng rau củ này. Tất cả là từ tiền túi của tôi. Mỗi khi đi chợ, thấy rau, củ, quả nào có hàng đẹp, giá tốt, tôi lại cố gắng mua thật nhiều về để gửi tặng công nhân, sinh viên”, anh Minh “râu” cho hay.

Lòng nhân ái, bao dung của anh đã được đền đáp, không phải bằng lợi nhuận thu được. “Tôi cho đi ít, nhưng nhận về nhiều lắm. Tôi nhận về niềm vui, hạnh phúc khi san sẻ được với người khó khăn”, anh Minh chia sẻ.

Thật cảm động biết bao trước tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của anh Minh “râu” giữa lúc đại dịch bủa vây, cuộc sống của người dân trong đó có anh lâm cảnh khốn khó. Anh cũng như hàng triệu người dân khác trên đất nước này thấm tận tâm can - và như một lẽ tự nhiên – những lời dạy của ông cha: “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Khi nghe tin TP. Hồ Chí Minh bị phong tỏa, người dân miền Trung lặng đi, tâm trạng họ rối bời những âu lo, thương yêu, trăn trở. Bởi rất nhiều năm qua, giữa đau thương mất mát tột cùng vì bão dâng, lũ quét, người miền Trung luôn nhận được những tấm quà chở nặng nghĩa tình của TP. Hồ Chí Minh thân thương.

Team Rau 47.Ảnh: Cẩm Nhung
Không kể nắng, mưa các thành viên team Rau 47 đến tận vườn cắt, phân loại rau, củ quả để gửi về tâm dịch TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác. Ảnh: Cẩm Nhung

Và không phải chờ đợi lâu, những chuyến xe đầy ắp các loại lương thực, thực phẩm, mang theo cả hơi ấm tình người của đồng bào miền Trung tốc hành cập bến TP. Hồ Chí Minh, cũng như trước đây những đoàn xe như thế từ thành phố phương Nam từng vượt mưa gió ra vùng rốn lũ.

Người quê ai có gì góp nấy. Rau xanh, củ quả, cá khô, miến, mì sợi… với Sài Gòn đô hội, giờ thì cái gì cũng quý bởi ở đó, hàng triệu bà con lao động nghèo dễ bị tổn thương giữa mùa dịch đang rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng. Cảm động biết bao khi xem đoạn clip ngắn đang gây sự chú ý của dư luận trên mạng xã hội, ghi lại hình ảnh hai chị nông dân ở Tuyên Hóa (Quảng Bình) vai gánh chuối, tay xách nách mang vừa đi vừa nói: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Trong những ngày cả nước căng mình chống chọi với đại dịch COVID-19, những hình ảnh gây xúc động lòng người nhiều lắm. Tôi đã không nén được cảm xúc khi xem đoạn clip ghi cảnh cháu bé mới 2 tuổi là F0 lọt thỏm trong bộ đồ bảo hộ cách ly. Tiếng khóc gọi mẹ của cháu như những mũi kim nhói tim người.

Bất chợt thấy lòng buồn. Buồn vì những thông tin xuất hiện trên báo, lan trên mạng xã hội cùng với phản ứng dữ dội của cộng đồng. Ấy là, giữa lúc đại dịch khốn khó thế này, không ít kẻ vô cảm, vô tâm, đục nước béo cò, ví như siêu thị nọ, cửa hàng kia bán rau quả cho đồng bào mình với giá “cắt cổ”: Rau muống hạt baby tươi hơn 50.000 đồng/kg, xà lách búp mỡ 40.000 đồng/kg, bông cải xanh 60.000 đồng/kg; hay với giá "không tưởng": Ớt tươi 40.000 đồng/gói 100g, tức 400.000 đồng/kg, gấp 5 lần giá thực tế. Thế mà họ vẫn điềm nhiên nói không tăng giá để kiếm lời trong giai đoạn giãn cách.

Càng trớ trêu hơn với chuyện ngược đời: Siêu thị của người Thái, người Thái bán cho người Việt giá bí 17.900 đồng/kg; còn siêu thị của người Việt, người Việt bán cho người Việt 55.000 đồng/kg.

Thế mới biết, câu nói của anh Minh “râu” và tấm lòng của anh thật đáng trân trọng biết bao: “Kiếm tiền cả đời chứ đâu nhất thiết phải kiếm ngay lúc này đâu”.

Lúc này là lúc giữa “cuồng phong” dịch bệnh, hơn tất thảy mọi thứ trên đời là sự sẻ chia, đùm bọc, thương yêu trong tình đất nước, nghĩa đồng bào. Đó là sức mạnh giúp chúng ta trụ vững, sớm vượt qua đại dịch COVID-19 khủng khiếp để cuộc sống trở lại bình thường, để phố phường lại tấp nập, đông vui, để khắp mọi miền đất nước bình an…

Nguyễn Duy Xuân


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.