…Và tuổi tên các anh chúng tôi chưa biết
Vào dịp tháng bảy, đến với những nghĩa trang liệt sĩ, không gì buồn thương hơn khi nhìn những dãy bia mộ với dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên” hay gần đây được sửa lại “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.
Câu chuyện bắt đầu vào khoảng trước thập niên 80 của thế kỷ trước, tấm bia của những liệt sĩ chưa xác định tên tuổi được khắc là “Liệt sĩ Vô Danh”, rồi sau đó người ta chợt nhận ra có gì đó sai sai, bởi không có người lính nào là vô danh cả.
Khi chào đời đã có một cái tên, khi ra trận họ có tên trong đội hình đội ngũ, và khi ngã xuống, giữa bom rơi đạn nổ, chiến trường cứ thế cuốn đi, lúc hy sinh không phải ai cũng may mắn có được cái túi peneciline để ghi vào đó dòng tuổi tên, địa chỉ, đơn vị… nút kín mai táng cùng thân xác.
Rồi ngày hòa bình khi đi tìm di cốt, cái lọ thủy tinh bé nhỏ với mẩu giấy ấy giúp cho thân nhân, đồng đội tìm ra được người thân sau dằng dặc kiếm tìm. Nhiều chuyến công tác tôi đi cùng các anh em trong các đội quy tập hài cốt, khi thì ở những cánh rừng Trường Sơn, khi sang tận Campuchia, khi thì trên những mái đồi đá núi của biên cương phía Bắc, khó mà nói hết cảm xúc của anh em mỗi khi tìm được hài cốt đồng đội có kèm theo địa chỉ.
Một góc Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. |
Ở Quảng Trị có hai nghĩa trang quốc gia là Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 và một số nghĩa trang cấp huyện, cấp xã nhưng số mộ phần ở đó lại lên tới con số hàng nghìn. Và ở Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 hay Nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị, số mộ bia ghi dòng chữ “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin” chiếm tỷ lệ lớn hơn số bia mộ của các liệt sĩ có tuổi, tên, đơn vị.
Có thể chiến tranh lùi xa quá lâu, vài chục năm trôi qua khiến thân xác các anh chị đã hóa thành cát bụi, nhưng cũng có những nghĩa trang được hình thành rất sớm, ngay sau khi chiến tranh kết thúc mà vẫn có những mộ bia khắc dòng chữ buồn hiu hắt “chưa biết tên” như câu chuyện tôi đã chứng kiến ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.
Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn có hơn một vạn mộ liệt sĩ được quy tập từ ngay sau năm 1975. Dù quy tập từ rất sớm như vậy nhưng vẫn có một khu mộ với 69 ngôi là mộ của những liệt sĩ “chưa biết tên”, nằm ngay phía phải của Đài Tổ quốc ghi công trung tâm nghĩa trang.
Và cùng với hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, khu mộ “liệt sĩ chưa biết tên” ấy, không hiểu bằng cách nào đó, dần dần cũng... có tên, thay vì những tấm bia không tên họ, gia đình những liệt sĩ bằng “ngoại cảm”, bằng tâm linh, bằng… muôn ngàn cách để có một niềm tin rằng dưới bia mộ không tên ấy là thân xác của thân nhân mình. Và không chỉ có thế, từ chỗ “chưa biết tên”, có ngôi mộ lại mang tên của... hai liệt sĩ.
Các cựu binh cúng vọng đồng đội tại một cánh rừng ở Campuchia. |
Một lần, khi tôi đưa nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai và nhà văn Mỹ Bruce Weigl đi viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, cả hai đã vô cùng ngạc nhiên khi đến thắp nhang ở khu mộ liệt sĩ “chưa biết tên” này bỗng thấy có một ngôi mộ mang đến hai cái tên.
Phía mặt bia đề “Liệt sĩ chưa biết tên” đã được thay bằng một tấm bia làm bằng đá hoa cương đen khắc rõ ràng: “Liệt sĩ Vũ Minh Giám - sinh năm 1942, nhập ngũ 1968, hy sinh 1973, quê quán Hải Dương”. Cứ cho là bằng niềm tin tâm linh đi, thêm một người lính được có tên, có tuổi.
Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó, sau khi ngôi mộ được gắn bia, có một gia đình liệt sĩ khác quê ở Thanh Hóa cũng bằng cách nào đó đã nhận rằng dưới ngôi mộ này là hài cốt của thân nhân mình, và vì thế, không thể gắn bia ở mặt trước, phía lưng bia được viết thêm tên tuổi một liệt sĩ khác: “Nguyễn V. Hợi, Hoằng Anh - Hoằng Hóa - Thanh Hóa”, và dường như để mọi người không phải băn khoăn, dưới dòng chữ tên liệt sĩ còn giải thích thêm “2 chiến sĩ chung một mộ” (!). Cả nhà văn Bruce Weigl lẫn nhà thơ Quế Mai đều không thể hiểu được vì sao lại có hai tên liệt sĩ trên một nấm mồ, càng không hiểu vì sao có những điều gọi là “ngoại cảm”, “gọi hồn” mà không là xét nghiệm ADN chính xác? Nhưng đất nước ngày đó vừa ra khỏi chiến tranh, quy tập được về đã là may mắn, chuyện tuổi tên đâu dễ xác định đủ cho những người lính khi ngã xuống đã không có một dấu tích kèm theo. Những nông dân ra trận từ đồng đất, và thân xác sau báo đền nợ nước lại hòa vào đất đai, một vòng tròn đời người thiêng liêng mà đạm bạc!
Tôi đã đứng rất lâu trước nấm mồ có hai bia mộ ấy và chợt nhận ra cuộc tìm kiếm tuổi tên cho liệt sĩ là một hành trình đầy khắc khoải, với những niềm tin vô cùng mong manh nhưng ai cũng muốn bấu víu vào đó. Đất nước dằng dặc chiến tranh, cuộc tìm kiếm tuổi tên cho những nấm mồ liệt sĩ chưa biết tên có lẽ là một hành trình bất tận. Ở Quảng Trị còn có một nghĩa trang quốc gia khác, một nghĩa trang không nấm mồ, không bia mộ, đấy là lòng sông Thạch Hãn đoạn chảy qua Thành cổ Quảng Trị. Những người lính đêm đêm vượt sông từ bờ Bắc sang bờ Nam, hàng nghìn người đã không qua tới bờ, không vào được Thành cổ, họ nằm xuống đáy sông hay con nước đã đưa những người lính ấy ra tận bể? Bao nhiêu người đã không còn tăm tích dù là cát bụi, nói gì chuyện tuổi tên trên những nấm mồ…
Trên hành trình tìm tới những miền chiến địa trên nước Việt, thắp nhang lên những hàng hàng mộ bia đề dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên”, nhưng dù chưa biết tên đi nữa, thì chút thân xác kia còn được nằm trên đất đai quê Mẹ vẫn may mắn hơn bao nhiêu hài cốt người lính Việt tuổi 20 đã nằm lại bên ngoài Tổ quốc.
Năm trước tôi đã có một chuyến đi cùng các cựu binh chiến trường Campuchia. Một chuyến đi xuyên qua gần hết các địa danh chiến trường khốc liệt từ Kratie lên tới Sieamreap, qua tận Caomelai, Poipet biên giới Campuchia - Thái Lan. Trong cuộc chiến giúp nước bạn thoát nạn diệt chủng dài 10 năm, từ năm 1979 đến năm 1989 có hàng vạn người lính Việt Nam hy sinh trên xứ Chùa Tháp. Các anh em cựu binh luôn mang sẵn một tấm bạt nhựa, và chuyến đi xuyên suốt chiến trường K ấy, các anh đã dừng cúng cho những đồng đội không về. Tấm bạt nhựa được trải ra trong một cánh rừng cao su, dưới một bờ nước đầm lầy, bên hành lang quốc lộ, dưới những gầm cầu… rồi anh em bày bánh trái và khấn vái rồi ôm nhau cố ngăn tiếng khóc.
Những người lính đã không về, không có cả tuổi tên, không còn cả mảnh xương thân xác ấy có nhắc gì với hôm nay?
Tôi nghĩ có thể không ai nói ra nhưng mỗi lần nhìn những mộ bia liệt sĩ không một dòng tên tuổi ấy, lòng chợt nhớ tới những đền miếu, nghĩa trang thiêng liêng ghi tạc công ơn người lính. Ở đó, không hiểu vì sao có rất nhiều tên tuổi chức vị được khắc đậm nét gắn lên bao nhiêu thân cây, ghế đá, đỉnh đồng… Có sự hy sinh nào lớn hơn sự hy sinh của những người đã chết cho Tổ quốc mà giờ đây thân xác vẫn chưa được về cùng đồng đội, tuổi tên chưa biết để khắc lên mộ chí?
Lê Đức Dục