Multimedia Đọc Báo in

Voi người bạn lớn của người Tây Nguyên

09:19, 25/07/2021

Voi – loài động vật hoang dã trong rừng xanh đã trở thành người bạn thân thiết với người Tây Nguyên từ ngàn đời nay. Và từ tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” đã tạo nên những ứng xử khá thú vị và nhân văn giữa người với voi trên vùng đất này.

“Nào con gái! Nữ thần Mặt trời đã trở mình, con hãy khơi ngọn lửa trong gian khách ngôi nhà dài để cha cùng anh trai con đi bắt cá ở hồ Nam Ka nào! Ngọn lửa đã khêu, bước chân của già làng cùng đứa con trai dũng mãnh như con tê giác của ông cùng dân làng tiến về hồ Nam Ka. Khi Nữ thần Mặt trời chếch bóng, những con cá nướng béo ngậy được các các cô gái dọn lên thơm phức. Sự quyến rũ của mùi cá nướng khiến chàng trai dừng tay, sau khi ăn cá, con trai của già làng bỗng mắt lồi, thân hình khổng lồ, bụng phình, mũi dài, tai to, tay chân biến thành tứ trụ. Một hiện tượng kỳ lạ chưa từng có. Chàng vẫn ăn cơm, uống nước, ăn rau, vẫn hiểu được tiếng người nhưng không nói được nữa. Từ đó dân làng gọi chàng là chàng voi và ứng xử với chàng như một thành viên trong cộng đồng vậy”.

Không biết từ thuở nào, huyền thoại người hóa voi được lưu truyền trong dân gian ở vùng đất Nam Kar - Đắk Lắk lại trở thành mạch nguồn cho câu chuyện yêu thương đầy nhân tình với những con vật khổng lồ trong thiên nhiên hoang dã.

Nghi thức cúng sức khỏe cho voi.    Ảnh: Hoàng Gia
Nghi thức cúng sức khỏe cho voi. Ảnh: Hoàng Gia

Trong xã hội truyền thống, vào mùa nông nhàn, những người đàn ông tài ba thường vào rừng săn bắt voi. Khi phát hiện voi con lạc mẹ, họ dùng những cuộn dây thừng được bện bằng da trâu để bắt voi và đưa về thuần dưỡng. Sau thời gian thuần dưỡng, nghi lễ đặt tên cho voi được thực hiện, tên gọi của từng con voi tương ứng với giới tính hoặc đặc tính của chúng như: Y Khăm Sen, Thông Khăm, Păk Kuh… nếu là voi đực, hoặc H’Puk, H’Panh… nếu là voi cái. Sau nghi lễ đặt tên, voi trở thành một thành viên mới trong gia đình, được công nhận, tôn trọng và bảo vệ. Thỉnh thoảng các nài voi (gru) thả chúng về với rừng sâu một tháng hoặc hơn thế. Chỉ cần nghe tiếng tù và của chủ, tự khắc voi lại quay về với người. Hậu duệ của dòng họ voi sẽ được nhân lên sau nghi lễ cưới vợ, cưới chồng cho chúng. Người ta cũng có thể bỏ ra hàng chục con trâu hoặc những bộ chiêng cổ để đổi một chú voi từ các nước bạn trong khu vực để về chăm sóc và nuôi dưỡng.

Dấu chân những người bạn khổng lồ ấy được in đậm qua những lần tham gia lễ hội, cùng các gru đi hái thảo dược hay đi xác định vùng đất mới để làm nương rẫy. Khi cần thiết, voi hỗ trợ kéo gỗ làm cột nhà, ghế Kpan, trống, ghe hay giường độc mộc... Thỉnh thoảng, voi được rong ruổi cùng các gru trong các hành trình đến nước bạn Lào, Kur để trao đổi chiêng, ché rượu quý, trang sức, trang phục.

Vòng đời của voi cũng tương tự như con người vậy. Bao tháng năm rong ruổi cũng cần ngơi nghỉ. Tình yêu của người Tây Nguyên đối với voi không chỉ thể hiện qua việc chăm sóc, đặt tên hay tính mùa tuổi mà còn qua lễ cúng sức khỏe, lễ cưới vợ, cưới chồng và kể cả khi voi chết. Sau nghi lễ chia lìa kết thúc, chiếc đuôi voi được xem là di vật cuối cùng được gia đình mang về cất giữ nhằm tưởng nhớ về nó. Việc ăn thịt voi không bao giờ được phép trong xã hội cổ truyền Tây Nguyên. Sẽ là trọng tội nếu ai đó xâm phạm bất cứ bộ phận nào của voi cho dù nó còn sống hay đã lìa trần.

Từ ngàn đời, tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” đã tạo nên những ứng xử khá thú vị và nhân văn giữa người với voi. Những câu chuyện tình bạn giữa người và voi luôn là chiếc cầu nối để chúng ta tiếp tục đối thoại, bảo vệ và nuôi dưỡng các cá thể voi còn lại trên mảnh đất huyền thoại này, cho hôm nay và cho mai sau.

Buôn Krông Tuyết Nhung


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.