Thực hiện nghiêm việc tổ chức lấy ý kiến của người dân đối với văn bản quy phạm pháp luật
Một trong những hoạt động quan trọng của quản lý nhà nước đó là việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật. Đây cũng chính là hoạt động thực hiện và thể hiện quyền lực Nhà nước nhằm quản lý xã hội.
Một văn bản pháp luật được ban hành bao giờ cũng tác động lên một hoặc một số đối tượng, đến quyền và lợi ích của một hoặc một nhóm người nhất định. Thực tế cho thấy, nếu văn bản pháp luật không phù hợp với thực tiễn, có thể dẫn tới những khó khăn trong quá trình thực thi, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản. Để hạn chế những tác động tiêu cực có thể xẩy ra, đối với văn bản quy phạm pháp luật cần phải tuân thủ quy trình ban hành văn bản, trong đó có quy trình lấy ý kiến đối tượng tác động.
Hiến pháp năm 1992 khẳng định: Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân (điều 2). Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng Nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình. Nhân dân còn thực hiện quyền lực của mình bằng cách tham gia vào công việc của Nhà nước, trong đó có việc tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Việc tổ chức lấy ý kiến của người dân - đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản - đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cả ở Trung ương và địa phương. Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật không chỉ là sự thể hiện quyền làm chủ của nhân dân mà còn là yêu cầu tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân có quy định :
- Căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, cơ quan hữu quan phải tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản trong phạm vi và với hình thức thích hợp.
- Cơ quan lấy ý kiến có trách nhiệm nghiên cứu tiếp thu ý kiến để chỉnh lý dự thảo văn bản.
Cụ thể hơn, Luật còn quy định trong trường hợp lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản thì cơ quan lấy ý kiến có trách nhiệm xác định những vấn đề cần lấy ý kiến, địa chỉ nhận ý kiến và dành ít nhất 7 ngày (đối với văn bản của cấp tỉnh), 5 ngày (đối với văn bản của cấp huyện) kể từ ngày tổ chức lấy ý kiến để các đối tượng được lấy ý kiến góp ý vào dự thảo.
Như vậy, việc tổ chức lấy ý kiến của người dân vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là một quy định mang tính bắt buộc trong trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân. Công việc này nếu được tổ chức thực hiện tốt không chỉ thể hiện sự chấp hành nghiêm pháp luật, sự tôn trọng quyền công dân của cơ quan có thẩm quyền, mà còn có ý nghĩa và mang lại lợi ích thiết thực về nhiều mặt.
Thứ nhất, thông qua việc lấy ý kiến của người dân, người hoạch định chính sách sẽ có thông tin về thực tế cuộc sống để đưa ra được những quy định phù hợp với các điều kiện xã hội hiện có. Từ đó, văn bản pháp luật sẽ có tính khả thi cao, tránh được bệnh chủ quan, duy ý chí, áp đặt từ một phía. Trên thực tế, có những văn bản pháp luật rất cần thiết ban hành nhưng lại thiếu điều kiện xã hội để thực thi.
Thứ hai, nếu như kết quả lấy ý kiến nhóm đối tượng tác động của văn bản cho thấy văn bản pháp luật phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của đa số quần chúng nhân dân thì văn bản sẽ dễ dàng đi vào cuộc sống. Niềm tin của nhân dân đối với chính quyền sẽ được củng cố. Ngược lại, nếu văn bản pháp luật không phù hợp với lợi ích của một số nhóm nào đó thì quy trình lấy ý kiến văn bản là cơ hội để các cơ quan có thẩm quyền có những biện pháp tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Từ đó, tránh được hiện tượng người dân phản ứng khi lợi ích của họ bị ảnh hưởng dưới tác động của văn bản.
Thứ ba, đây cũng là một hình thức tuyên truyền mang tính tích cực, chủ động để người dân nghiên cứu, thảo luận, tiếp cận trước một bước với văn bản pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để văn bản đi vào cuộc sống khi được chính thức ban hành.
Một quy trình quan trọng và có ý nghĩa như vậy nhưng dường như trong thời gian vừa qua chưa được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức. Tất nhiên, để quy trình này được thực hiện thì cần có sự nghiêm túc, đảm bảo cơ sở khoa học trong quá trình lấy ý kiến. Mong rằng những người có thẩm quyền chỉ đạo các cơ quan tham mưu thực hiện đúng quy trình lấy ý kiến của người dân để văn bản ban hành ra sẽ nhận được sự đồng thuận và có tính khả thi cao.
Ý kiến bạn đọc