HỘI THI “TRƯỞNG, PHÓ THÔN, BUÔN, TỔ DÂN PHỐ VỚI KIẾN THỨC PHÁP LUẬT” TỈNH DAK LAK NĂM 2011: Đưa kiến thức pháp luật về với buôn làng
Với sự chuẩn bị chu đáo, Hội thi “Trưởng, phó thôn buôn, tổ dân phố với kiến thức pháp luật tỉnh Dak Lak” năm 2011 đã để lại nhiều ấn tượng cho người xem.
Bằng hình thức sân khấu hóa, các thí sinh đã thể hiện kiến thức của mình qua các phần thi: bốc thăm câu hỏi lý thuyết, xử lý tình huống liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc bảo đảm an ninh - trật tự, quy chế dân chủ, thực hiện nghĩa vụ quân sự, bảo vệ môi trường, kỹ năng hòa giải các tình huống xảy ra tại cơ sở… Diễn ra trong thời gian ngắn, chỉ có 1 ngày nhưng ở cả 3 phần thi đã phần nào đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tư cách, trách nhiệm, sự nhiệt tình và kiến thức pháp luật của mỗi trưởng thôn đối với đời sống tại cộng đồng dân cư. 10 tiết mục kịch, tiểu phẩm của 10 thí sinh xuất sắc nhất vượt qua vòng loại, tham gia phần thi kỹ năng (có sự tham gia của gần 100 “diễn viên” quần chúng) đã tạo nên một không khí sôi động, nhiều sắc màu, đề cao vai trò cũng như trách nhiệm và khả năng hòa giải của trưởng thôn, gắn liền với đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân, đồng thời là người giúp chính quyền cấp xã, phường, thị trấn thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đưa luật về cơ sở. Hội thi càng hấp dẫn hơn khi lồng ghép các câu hỏi dành cho khán giả liên quan đến Luật Giao thông đường bộ, thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, Luật Hôn nhân gia đình…
Phần thi tiểu phẩm của phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) để lại nhiều ấn tượng cho người xem. |
Ở mỗi một phần thi, các thí sinh đã thể hiện sự am hiểu về kiến thức pháp luật của mình liên quan trực tiếp đến đời sống cơ sở. Đó là những câu chuyện hài hước, dí dỏm với sự diễn xuất tự tin của những “diễn viên” không chuyên nhưng lại mang đến một thông điệp về tình làng nghĩa xóm, ý thức giữ gìn vệ sinh khu phố, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no… Tuy thông điệp nhẹ nhàng nhưng đủ để làm người xem có thêm kiến thức và ý thức hơn trong việc ứng xử của bản thân đối với cộng đồng sinh sống; đặc biệt, thông qua việc xử lý các tình huống và biểu diễn tiểu phẩm hài giúp bà con hiểu, ghi nhớ lâu hơn nội dung các luật. Qua phần thi cho thấy nhiều thí sinh đã biết sáng tạo, cụ thể hóa nội dung các văn bản pháp luật vào đặc thù công việc, phản ánh sinh động những “sự cố”, va vấp thường gặp ở cơ sở và bằng kỹ năng, kiến thức pháp luật của mình đã đưa ra hướng giải quyết hợp tình, hợp lý… Hội thi đã quy tụ nhiều cách thể hiện phong phú ở các thể loại: kịch, hài, tiểu phẩm, vè, thuyết trình…, phản ánh nhiều mặt trong công tác thường ngày của một trưởng thôn: năng nổ, nhiệt tình đến “gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng” gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân kết hợp vận động bà con bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh chung hoặc tuyên truyền những kiến thức pháp luật cơ bản nhất. Nhiều kịch bản sáng tạo, đạo cụ, trang phục được thiết kế, dàn dựng công phu cùng với khả năng diễn xuất tự nhiên đã tạo nên “sức hút” với đông đảo khán giả. Có không ít tiết mục của các đơn vị mang tính nghệ thuật cao như: tiểu phẩm “Tổ dân phố ta sẽ sáng- xanh- sạch- đẹp” của phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột); “Ruộng nhà tôi” (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông); xây dựng kịch bản tuyên truyền dưới hình thức vè đầy sáng tạo như tiết mục vè “Tâm sự cùng nhau” của xã Ea Hu, huyện Cư Kuin… Mỗi đơn vị một vẻ, một phong cách biểu diễn, kịch bản sáng tạo khác nhau nhưng đã thể hiện những nét đẹp trong phẩm chất của người trưởng thôn tại cơ sở… tạo nên hiệu quả hơn cả mong đợi, mang đến không ít bất ngờ cho Ban Giám khảo cũng như người xem. Thí sinh Nguyễn Thị Sở (phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) để lại nhiều ấn tượng khi không ngại mang lên sân khấu những… xô, chậu, rác, nước cùng hai người hàng xóm cãi cọ, to tiếng với nhau chỉ vì việc vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, qua đó làm nổi lên hình ảnh người tổ trưởng tổ dân phố nhiệt tình, không ngại nắng, mưa đến gặp gỡ, hòa giải khi có vấn đề xảy ra tại cơ sở và tuyên truyền pháp luật cho bà con hiểu. Phác họa cảnh ruộng đồng yên ả và chuyện đi lấy nước ruộng của bà con, tiểu phẩm “Ruộng nhà tôi” của xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) là câu chuyện về những người nông dân chân chất, hiền lành nhưng rất dễ “mất” lòng nhau bởi một mâu thuẫn nhỏ khi đi lấy nước về ruộng lúa của mình. “Việc bé xé thành to” và tất cả chỉ được giải quyết khi người trưởng thôn đến hòa giải, giúp mọi người nhận ra tình làng nghĩa xóm thân thương, gắn bó. Phần dự thi của thí sinh Lê Văn Mão (xã Ea Hu, huyện Cư Kuin) đã làm cả Ban Giám khảo cũng như người xem thật sự bất ngờ, xúc động với kịch bản vè tự sáng tác “Tâm sự cùng nhau”. Nhẹ nhàng, da diết nghe như lời tâm tình: “Bà con, làng xóm chúng ta, tắt đèn, tối lửa hàng xóm có nhau/ Xóm thôn rộn rã tiếng cười, nhưng tranh chấp nhỏ xin mọi nhà bỏ qua/ Giữ cho thôn làng trong sạch/ Đó là trách nhiệm của tôi của anh, của làng…” kêu gọi bà con nêu cao ý thức tại khu dân cư, giữ cho đường làng xanh đẹp, xóm làng yên vui. Bên cạnh đó, nhiều thí sinh cũng đem đến Hội thi những vấn đề nóng hổi tính thời sự: nhức nhối nạn phá rừng: tiểu phẩm Rừng kêu cứu (Hoàng Thị Tiến, thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar), bạo lực gia đình: Chỉ tại thằng cu cố (Nguyễn Minh Hải, xã Ea Na, huyện Krông Ana), An toàn giao thông đường bộ qua tiểu phẩm cùng tên của Trần Quang Lâm (thị xã Buôn Hồ)…
Ban tổ chức tặng hoa và quà cho các thí sinh tham gia Hội thi. |
Theo đánh giá của Ban Giám khảo thì hầu hết các đơn vị về dự thi đều có kiến thức nhất định về pháp luật, đầu tư, chuẩn bị khá chu đáo về trang phục, đạo cụ và phong cách biểu diễn, tạo nên một hiệu quả tuyên truyền pháp luật cao. Qua các tiết mục dự thi được sân khấu hóa sinh động, các đơn vị đã giới thiệu được đặc thù đời sống dân cư tại cơ sở, thể hiện những vấn đề gặp phải và đặc thù công việc của một trưởng thôn, buôn một cách đầy lôi cuốn. Ông Đỗ Xuân Bỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó trưởng Ban tổ chức Hội thi cho biết, trước khi tham gia hội thi cấp tỉnh, nhìn chung hầu hết các xã, huyện đã tổ chức tại cơ sở của mình một cách nghiêm túc chu đáo, nhận thức đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của Hội thi, được đông đảo bà con theo dõi, cổ vũ tạo được hiệu quả cao trong việc tuyên truyền pháp luật. Tham gia Hội thi, bản thân các trưởng, phó thôn buôn, tổ dân phố không chỉ biết mà còn hiểu sâu hơn về các quy định của pháp luật. Bên cạnh các lớp tập huấn về kiến thức pháp luật hằng năm, đây là Hội thi đầu tiên được tổ chức quy mô bài bản để góp phần “đem luật về làng”. Thông qua Hội thi này, các trưởng, phó thôn buôn, tổ dân phố sẽ là những tuyên truyền viên tích cực hơn nữa của cộng đồng dân cư, nơi mình sinh sống”.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc