Multimedia Đọc Báo in

Thực trạng lâm tặc ngoại tỉnh xâm nhập Vườn Quốc gia Cư Yang Sin

11:38, 09/12/2011

Chuyện lâm tặc vào Vườn Quốc gia (VQG) Cư Yang Sin đặt bẫy săn thú rừng trái phép không còn là chuyện mới lạ. Nhưng có một điều lạ khiến lực lượng kiểm lâm vườn bối rối, đó là thời gian gần đây Vườn bị nhiều đối tượng lâm tặc ngoại tỉnh đột nhập, dựng lều lán trong rừng để đặt bẫy săn thú, thậm chí chúng còn săn được những loài thú rừng mà lâm tặc bản địa ít khi bắt được.

Chuồng, cũi do lâm tặc dựng trong rừng để nhốt thú sống.
Chuồng, cũi do lâm tặc dựng trong rừng để nhốt thú sống.

Các đối tượng lâm tặc ngoại tỉnh này chủ yếu đến từ xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), có tuổi đời còn rất trẻ, tầm từ 15-20 tuổi. Anh Tô Văn Dương, cán bộ Pháp chế của vườn lôi từ trong hộc bàn ra một tập Chứng minh nhân dân (CMND) mà vườn đang thu giữ của các đối tượng vi phạm; trong đó có rất nhiều CMND của các đối tượng lâm tặc có hộ khẩu đăng ký thường trú tại Quảng Bình. Các đối tượng lâm tặc này chủ yếu đột nhập VQG săn thú vào mùa mưa, khi bị kiểm lâm vườn bắt, họ đều khai đang đi học tại các trường THCS hoặc THPT ngoài Quảng Bình, tranh thủ nghỉ hè vào Dak Lak làm thêm. Những đối tượng “lâm tặc học sinh” này rất rành đi rừng và đặt bẫy; tự chế tạo nhiều loại bẫy làm từ dây cáp, dây phanh xe đạp, bẫy sập hay bẫy kẹp…, đan cả lồng để nhốt các con thú nhỏ còn sống khi bắt được. Nhưng một điều lạ khiến lực lượng kiểm lâm nơi đây bất ngờ là những lâm tặc này ngoài việc bắt được những loài thú như nai, hoẵng, nhím, khỉ… thì họ còn bắt được cả con Don (một loài thuộc họ Nhím, nhưng nhỏ hơn, chỉ nặng khoảng 2-3kg) mà lâm tặc bản địa ở đây rất ít khi bắt được. Theo anh Dương lý giải: xã Phúc Trạch, Bố Trạch vốn nằm giáp VQG Phong Nha, Kẻ Bàng (Quảng Bình) nên rất có thể từ nhỏ các học sinh này đã biết cách làm bẫy, đi rừng đặt bẫy bắt thú rừng. Vào dịp hè được nghỉ học, những học sinh này đã được người quen đang sinh sống tại Dak Lak gọi vào làm thuê và từ đây đã xâm nhập Vườn để đặt bẫy thú. Những đối tượng này thường tổ chức thành từng nhóm 5-10 người, hoạt động rất bí mật; dựng lều, lán sâu trong rừng, ăn ở cả tháng trời để chuyên tâm săn bắt thú. Thú săn được các đầu nậu thu mua và cũng là người trực tiếp cung cấp lương thực thực phẩm. Khi bắt được nhiều thú rừng, họ cho vào gùi, ngụy trang giống như người dân đi rẫy gùi ra bỏ cho các mối thu mua và lại gùi lương thực vào cho cả nhóm.

Lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia tháo dỡ bẫy do lâm tặc gài để bắt thú trong rừng.
Lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia tháo dỡ bẫy do lâm tặc gài để bắt thú trong rừng.

Kiểm lâm VQG trong nhiều lần tuần tra đã phát hiện và bắt giữ nhiều nhóm lâm tặc này, nhưng việc xử phạt gặp rất nhiều khó khăn và gần như là không thể xử phạt. “Theo điều 8, Nghị định 99 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, thì chỉ cần mang dụng cụ thủ công vào rừng sẽ bị xử phạt từ 100.000 đến 1 triệu đồng. Những đối tượng vào vườn này thuộc khung phạt 550.000 đồng, nhưng khi bắt được không thể tiến hành xử phạt được, bởi họ không mang theo tiền, cũng không mang theo giấy tờ tùy thân. Vì vậy, vườn chỉ thu giữ các vật dụng mang theo, thu giữ bẫy hay thú rừng mà các đối tượng đã săn bắt được và cũng chỉ đưa đối tượng về vườn lấy lời khai, hoặc giữ lại CMND rồi yêu cầu đến nộp phạt sau, bởi vườn không có thẩm quyền giữ người quá 24 giờ” - anh Dương cho biết. Các đối tượng lâm tặc sau khi được thả ra lại tiếp tục quay vào rừng đặt bẫy săn bắt thú, có đối tượng vườn bắt được 2 đến 3 lần nhưng vẫn không xử phạt được. Nhiều đối tượng khi bị giữ CMND lại cũng bỏ luôn. Sở dĩ có chuyện  này, theo anh Dương: nguyên nhân cũng bởi việc quản lý người ngoại tỉnh đến cư trú tại các địa phương còn quá lỏng lẻo, hầu như không có đăng ký tạm trú tạm vắng ở cả địa phương đi và đến. Nhiều người khi bị bắt thường khai ở nhà người quen, hoặc thuê phòng trọ ở xã này, xã kia, nhưng khi Vườn liên hệ với địa phương để xác minh thì thực tế không có, hoặc địa phương không nắm được. Đã từng có chuyện: lãnh đạo VQG Cư Yang Sin chủ động cho anh em kiểm lâm bí mật theo dõi các nhà trọ mà các đối tượng khai khi bị bắt để tiện xử lý, nhưng hầu như thất bại, vì đó không thuộc chức năng chuyên môn, nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm vườn.
 

Lê Văn


 


Ý kiến bạn đọc