Trao đổi về địa điểm công chứng theo quy định tại Điều 39 Luật Công chứng năm 2006
Tại Điều 39 Luật Công chứng năm 2006 quy định về địa điểm công chứng: "1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức công chứng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. 2. Việc công chứng có thể thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không đến được trụ sở hành nghề công chứng". Tuy nhiên, thực tiễn phát sinh các vấn đề có liên quan, đòi hỏi có cách nhìn nhận khách quan về địa điểm công chứng, có thể địa điểm công chứng không phù hợp với Điều 39 Luật Công chứng năm 2006 nhưng các giao kết hợp đồng, giao dịch lại đúng pháp luật, không trái đạo đức xã hội và các bên đều tự nguyện tham gia giao dịch, hợp đồng...
Thực tế, địa điểm thực khi công chứng hợp đồng, giao dịch thường không trùng với địa điểm thể hiện trong lời chứng của văn bản công chứng, chẳng hạn: địa điểm công chứng thực tế là tại nhà đương sự (không thuộc khoản 2 Điều 39 của Luật Công chứng năm 2006) nhưng lời chứng trong văn bản công chứng lại thể hiện là công chứng tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Có thể kể đến nhiều trường hợp khác như: công chứng viên (CCV) tham gia cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất, chứng kiến quá trình diễn ra cuộc bán đấu giá và công chứng kết quả bán đấu giá thành theo quy định của pháp luật, tuy nhiên, địa điểm thể hiện trong lời chứng của văn bản công chứng có lúc thì thể hiện công chứng tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng, có lúc lại thể hiện công chứng tại trụ sở tổ chức bán đấu giá; hay trường hợp một bên đối tượng tham gia hợp đồng, giao dịch già yếu, không đi lại được còn bên kia thì không, khi thực hiện công chứng thì CCV trực tiếp đến nhà của bên tham gia hợp đồng, giao dịch là người già yếu, không đi lại được để đương sự trực tiếp ký, điểm chỉ vào hợp đồng, giao dịch trước mặt CCV, còn bên kia thì trực tiếp ký tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng và địa điểm thể hiện trong lời chứng của văn bản công chứng thì xác định địa điểm công chứng là tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng... Bên cạnh đó, cần thừa nhận hoạt động công chứng thực chất là loại hình dịch vụ nên không ít trường hợp CCV của tổ chức hành nghề công chứng (chủ yếu là các Văn phòng công chứng) thường cung cấp dịch vụ công chứng tại nhà hoặc địa điểm khác theo yêu cầu của các bên đương sự nhằm cạnh tranh giữa các tổ chức hành nghề công chứng với nhau...
Từ những thực tiễn phát sinh liên quan đến địa điểm công chứng, dẫn đến nhiều trường hợp địa điểm thực khi công chứng là một nơi nhưng lời chứng trong văn bản công chứng lại xác định địa điểm công chứng là tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng, do đó, không phản ánh đúng thực chất của quá trình công chứng. Mặc dù địa điểm công chứng có thể thể hiện không đúng thực tế nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến bản chất tự nguyện, đúng pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội...của các bên đương sự khi tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch. Chính vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung quy định về địa điểm công chứng theo hướng không nên quy định cứng nhắc, cần thể hiện địa điểm thực tế trong lời chứng của văn bản công chứng trong khi giao kết hợp đồng, giao dịch; địa điểm công chứng có thể xác định một nơi hoặc nhiều nơi, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của các bên đương sự, cũng như sự đồng ý, thống nhất ý chí của các bên. Vì CCV là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng, do đó, địa điểm công chứng không quyết định đến tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, cũng như không làm tăng hay giảm trách nhiệm của cá nhân CCV khi công chứng hợp đồng, giao dịch. Nên chăng cần quy định về địa điểm công chứng theo hướng công chứng tại địa điểm nào thì thể hiện trong lời chứng của văn bản công chứng địa điểm đó, nếu phản ánh không đúng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đỗ Văn Nhân
Ý kiến bạn đọc