Multimedia Đọc Báo in

Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm

15:26, 10/09/2012

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: từ nay đến năm 2015 sẽ từng bước kiềm chế và hàng năm làm giảm các loại tội phạm nghiêm trọng, tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm do người chưa thành niên gây ra.

Phấn đấu hàng năm đạt tỷ lệ điều tra, khám phá trên 70% các vụ án nói chung; riêng các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%; đồng thời, kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao; không để hình thành các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”.

Năm 2012, 2013 và những năm tiếp theo tập trung nguồn lực, nhân lực chủ động phòng ngừa và đấu tranh làm giảm các loại tội phạm đang nổi lên, diễn biến phức tạp như giết người do mâu thuẫn; cướp, cướp giật, đòi nợ thuê, mua bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm tham nhũng, chống người thi hành công vụ...

Ngoài ra, cần đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhằm huy động sự tham gia tích cực của toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm. Hàng năm giảm từ 2% đến 3% tỷ lệ tái phạm tội trong số phạm nhân được đặc xá, mãn hạn tù; ít nhất 60% số đối tượng vi phạm pháp luật hình sự, người được đặc xá tha tù, được bảo lãnh, giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục có tiến bộ tại cộng đồng dân cư.

Chương trình sẽ củng cố hệ thống hồ sơ, tàng thư nghiệp vụ, chuyển đổi dữ liệu hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin, phấn đấu đến năm 2015 điện tử hóa 80% công tác khai thác tra cứu thông tin. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh mặt dung lượng đến 1,5 triệu đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội để khai thác nhanh chóng các đối tượng nghi vấn, nhận diện ảnh xác định chính xác đối tượng cầm đầu, chủ mưu trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng...

Chương trình được thực hiện từ năm 2012 đến năm 2015 trên phạm vi toàn quốc với tổng mức vốn 1.972 tỷ đồng.

N.X (nguồn chinhphu.vn)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.