Multimedia Đọc Báo in

Móc túi, lừa đảo trên xe khách: Chuyện không bao giờ cũ

08:53, 04/09/2012

Thời gian gần đây, nhiều ý kiến phản ánh của hành khách đi trên các chuyến xe đường dài, từ Buôn Ma Thuột đến các tỉnh thường gặp tình trạng một số kẻ gian trà trộn lên xe móc túi, lừa đảo người đi xe…

Giả phụ xe để móc túi

Nạn nhân mới đây là anh Phạm Quốc Hiền (ở xã Ia Tul, huyện Ia Pa, Gia Lai), đi trên chuyến xe khách chạy tuyến Buôn Ma Thuột - Kon Tum, bị móc túi ngày 10-8 vừa qua. Do không muốn chờ đợi lâu nên anh đứng trước khu vực cổng bến xe phía Bắc Buôn Ma Thuột để đón xe. Xe đông nghẹt người, loay hoay mãi anh mới được 2 phụ xe xếp cho chỗ ngồi; chạy được một đoạn anh phát hiện chiếc ví trong người đã “không cánh mà bay”. Phản ánh với nhà xe thì chỉ nhận được câu trả lời một cách thờ ơ: “Đồ đạc của mình không biết giữ còn kêu ai!”. Lấy lại bình tĩnh, anh Hiền phát hiện một người phụ xe đã xuống xe từ lúc nào. Đem thắc mắc hỏi tài xế thì họ nói đó là hành khách đi xe, nhưng thực tế thì người “phụ xe” kia chính là kẻ gian chuyên đi móc túi hành khách. Khu vực trước cổng bến xe có khoảng 2-3 người như vậy. Hành vi của những người này là thường la cà ở các quán giải khát gần bến xe, thấy xe nào đầy khách thì nhảy lên giả làm phụ xe, xếp chỗ ngồi cho khách, chờ sơ ý là móc túi rồi xuống xe. Nếu may mắn phát hiện sớm, khách yêu cầu nhà xe quay lại  tìm thì có thể lấy lại được; một số khác đến khi xuống xe mới phát hiện mình bị mất đồ. Cách đây chưa lâu, anh Nguyễn Văn Danh đi xe về TP. Pleiku cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Mới lên xe được một đoạn, anh phát hiện bị mất ví tiền. Nghi ngờ người “phụ xe” thứ hai là thủ phạm, anh yêu cầu nhà xe quay lại tìm thì gặp tên móc túi thản nhiên ngồi uống nước trước cổng bến xe. Anh Danh hỏi “xin” lại cái ví “bị rơi” và được trả lại, giấy tờ còn nguyên, tiền thì bị móc sạch. Không muốn làm lớn chuyện, anh lấy lại ví và đến Gia Lai phải mượn tiền người quen để lo công việc. Điều đáng nói là một số nhà xe lại làm ngơ vì không muốn liên lụy, sơ bị hành hung, hoặc có thể chính họ đã thông đồng với kẻ xấu để trộm đồ của hành khách rồi chia nhau(?!).

Khách đi xe đường dài nên cảnh giác với móc túi, lừa đảo  (ảnh minh họa).
Khách đi xe đường dài nên cảnh giác với móc túi, lừa đảo (ảnh minh họa).

Ba... lừa một

Theo phản ánh của nhiều người: một thủ đoạn đã cũ mèm nhưng vẫn lừa được khách trên các chuyến xe khách là trò bầu cua tôm cá. Thường nhóm lừa đảo này có 3 người, lên xe ở 3 vị trí khác nhau để tránh sự nghi ngờ. Sau đó chúng bắt đầu diễn trò: một thanh niên là chủ trò vui vẻ giới thiệu về kiểu chơi bầu cua có thưởng “dễ chơi, dễ thắng” và mời hành khách tham gia. Một người khác (trong nhóm) cỡ ngoài 50 tuổi giả làm hành khách tham gia “đặt cửa” và bị thua gần hết tiền. Tên đồng bọn còn lại tỏ vẻ “bất bình” vì “thằng ranh con giám lừa ông già” và tham gia chơi. Người này thắng được nhiều tiền của người thanh niên và đề nghị “chơi ván cuối để lột sạch”. Tên này đặt hết tiền của mình và mượn thêm tiền, đồ đạc của khách đi xe “nhẹ dạ cả tin” để đặt cửa, và đương nhiên phần thắng lần này là thuộc về tên chủ trò. Người thua giả bộ xuống xe để lấy thêm tiền, hai tên còn lại đi  thêm được một đoạn cũng xuống xe nốt. Những hành khách bị lừa chưng hửng trước trò “ba lừa một” của nhóm người gian. Điển hình như anh Tr. (xã Hóa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) mới đây bị kẻ gian lừa lấy mất 500.000 đồng và chiếc điện thoại mới mua.

Về những hành vi móc túi, lừa đảo nói trên thường xuất hiện trên các chuyến xe khi đã rời bến nên đơn vị quản lý bến xe phía Bắc Buôn Ma Thuột không thể can thiệp được. Mặt khác, những nạn nhân cũng không báo sự việc đến công an nên rất khó giải quyết. Ông Trần Thường, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý bến xe Dak Lak khuyến cáo hành khách đi xe nên cảnh giác với các chiêu lừa đảo, móc túi của kẻ gian và khi sự việc xảy ra phải báo ngay cho công an phường sở tại để giải quyết.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.