Multimedia Đọc Báo in

Một bản án dân sự sơ thẩm cần được xem xét toàn diện

10:09, 27/05/2013

Năm 2012, Báo Dak Lak các số ra ngày 27-3 và ngày 10-4 thông tin xung quanh vụ kiện dân sự giữa nguyên đơn là bà Hoàng Thị Hiểu trú tại 256/4 Nguyễn Thị Định (phường Khánh Xuân, TP.Buôn Ma Thuột) và bị đơn là ông Nông Kim Long trú tại 306/4 Nguyễn Thị Định (nay là đường Võ Văn Kiệt). Cụ thể: Bà Hiểu kiện ông Long trả lại lô đất thổ cư vì ông Long không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng bà theo thỏa thuận giữa hai bên. Còn ông Long cho rằng ông không có nghĩa vụ nuôi dưỡng bà Hiểu, lô đất mà vợ chồng bà Hiểu cho ông là dựa trên ơn nghĩa ông Long chữa bệnh cho chồng bà Hiểu, và lô đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên ông không trả lại theo yêu cầu của bà Hiểu.

Ngày 7-3-2013,  TAND TP.Buôn Ma Thuột đưa vụ kiện ra xét xử. Bản án số 21/2013/DSST đã xác định: Trong giấy cho đất vợ chồng bà Hiểu không nói điều kiện ông Long phải cấp dưỡng bà Hiểu đến khi bà Hiểu qua đời và lo tang lễ khi bà Hiểu chết; bà Hiểu nói điều kiện này thỏa thuận bằng miệng nhưng ông Long không thừa nhận. Do đó xác định việc cho đất không có điều kiện là phù hợp và việc cho đất đã có hiệu lực pháp luật. Năm 2006 ông Long làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mà vợ chồng bà Hiểu đã cho kèm theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đơn xin cho đất của vợ chồng bà Hiểu cho ông Long. Phường Khánh Xuân đã cho niêm yết công khai và không có ai khiếu nại nên đã chuyển hồ sơ lên UBND TP. Buôn Ma Thuột. Trong quá trình UBND thành phố xem xét để cấp giấy GCNQSDĐ thì bà Hiểu cũng không khiếu nại gì. Việc UBND TP. Buôn Ma Thuột cấp GCNQSDĐ số A0772833 ngày 5-5-2009 với thửa đất số 55 diện tích 78,6m2 thuộc tờ bản đồ số 128 phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột cho ông Long là đúng pháp luật, bà Hiểu yêu cầu hủy GCNQSDĐ nói trên là không có căn cứ. Về vấn đề cấp dưỡng tòa sẽ thụ lý giải quyết bằng một vụ kiện riêng nếu bà Hiểu có yêu cầu.

 Trước hết, vấn đề đầu tiên của vụ kiện cần xác định rõ là: Có việc thỏa thuận miệng về điều kiện để cho đất hay không?

 Biên bản làm việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa bà Hoàng Thị Hiểu và ông Nông Kim Long ngày 30-11-2001 tại UBND phường Khánh Xuân, với thành phần làm việc có đại diện Phòng Quản lý đô thị - nhà đất UBND TP.Buôn Ma Thuột, Chủ tịch UBND phường và Phó Chủ tịch HĐND phường Khánh Xuân, cán bộ địa chính, tư pháp phường và ban tự quản khối 9 đã kết luận như sau:

“Hội nghị thống nhất hướng giải quyết theo biên bản giải quyết ngày 8-10-1999 của UBND phường Khánh Xuân đã được hai bên thỏa thuận đồng ý thực hiện. Theo biên bản thỏa thuận này, hằng tháng ông Nông Kim Long có trách nhiệm trợ cấp cho bà Hoàng Thị Hiểu 15kg gạo quy ra tiền theo giá hiện hành.

Đối với tồn tại từ khi biên bản thỏa thuận ngày 8-10-1999 đến nay, số tiền ông Nông Kim Long phải trợ cấp cho bà Hoàng Thị Hiểu là 1.050.000đ bà Hiểu chưa được nhận, đề nghị cán bộ tư pháp phường đôn đốc và thu số tiền này đưa về cho bà Hiểu vào ngày 15-12-2001.

Kể từ tháng 12-2001 đến khi bà Hoàng Thị Hiểu qua đời, ông Nông Kim Long có trách nhiệm trợ cấp cho bà Hoàng Thị Hiểu 15kg gạo quy ra tiền. Thời gian thực hiện trước ngày 8 hằng tháng, thông qua ông khối trưởng khối 9.

Ông Nông Kim Long ngoài việc trợ cấp cho bà Hoàng Thị Hiểu 15kg gạo quy ra tiền còn có trách nhiệm đi lại, thăm hỏi bà Hiểu trong lúc ốm đau và lo tang lễ cho bà Hiểu khi bà Hiểu qua đời. Nghiêm cấm các hành vi ngược đãi, các quan hệ đối xử không đúng mức.

Giao cho Ban tự quản khối và cán bộ tư pháp phường theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các bên liên quan, có biện pháp xử lý nếu bên nào không thực hiện đúng cam kết.

Khi nào ông Nông Kim Long thực hiện đúng các cam kết nêu trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho ông Nông Kim Long đối với diện tích đất ông Nguyễn Văn Yên và bà Hoàng Thị Hiểu đã đồng ý cho năm 1998”.

Sau này, việc giải quyết khiếu kiện của bà Hoàng Thị Hiểu đối với ông Nông Kim Long đều lấy biên bản này làm căn cứ giải quyết. Đơn cử, vào ngày 12-9-2011, Phòng Tài nguyên và Môi trường UBND TP.Buôn Ma Thuột có công văn số 131/CV-TNMT do ông Lưu Văn Khôi, Trưởng phòng ký gửi UBND phường Khánh Xuân có nội dung như sau:

“Sau khi xem xét nội dung, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố chuyển đơn của bà Hoàng Thị Hiểu đến UBND phường Khánh Xuân để mời các bên có liên quan yêu cầu thực hiện biên bản giải quyết tranh chấp đất đai ngày 30-11-2001. Nếu các bên không thực hiện theo đúng cam kết tại nội dung biên bản ngày 30-11-2001 thì UBND phường Khánh Xuân có báo cáo đề nghị xử lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Nông Kim Long để UBND TP.Buôn Ma Thuột xem xét giải quyết.” (Ông Lưu Văn Khôi cũng là người tham gia giải quyết vụ tranh chấp đất đai ngày 30-11-2001 với tư cách là đại diện của Phòng Quản lý đô thị - nhà đất, đồng thời là người ghi chép biên bản lúc đó).

Như vậy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng của UBND TP.Buôn Ma Thuột đã có nhiều văn bản ghi nhận có sự liên quan giữa việc cấp dưỡng và việc cho đất. Các chứng cứ gián tiếp này cho thấy các cơ quan có thẩm quyền đã xác định điều kiện để được cấp GCNQSDĐ là nghĩa vụ cấp dưỡng. Do đó pháp luật không thể tách thành 2 vụ kiện như án sơ thẩm đã tuyên mà cần phải xem xét trong 1 vụ kiện mới thỏa đáng.

 Thứ hai, về thủ tục cấp GCNQSDĐ lô đất của vợ chồng bà Hiểu cho ông Long, chúng tôi thấy rằng quá trình tranh chấp đất đai giữa bà Hiểu và ông Long kéo dài nhiều năm, và việc tranh chấp đã được UBND phường Khánh Xuân và Phòng Quản lý đô thị - nhà đất thuộc UBND TP.Buôn Ma Thuột lưu ý tại biên bản ngày 30-11-2001 đã nêu trên: Khi nào ông Nông Kim Long thực hiện đúng các cam kết nêu trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho ông Nông Kim Long đối với diện tích đất ông Nguyễn Văn Yên và bà Hoàng Thị Hiểu đã đồng ý cho năm 1998. (Trong thực tế ông Long không thực hiện cam kết nên bà Hiểu mới khiếu nại và cuối cùng là yêu cầu hủy bỏ hợp đồng). Do đó việc cấp GCNQSDĐ cho ông Long là trái với Luật đất đai quy định về đất đang tranh chấp. Ngoài ra, Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 21-1-1998 giữa bà Hoàng Thị Hiểu là bên chuyển nhượng và ông Nông Kim Long là bên nhận chuyển nhượng có một số điểm bất thường. Cụ thể, người đứng tên sử dụng lô đất là ông Nguyễn Văn Yên chồng bà Hoàng Thị Hiểu, nhưng không có chữ ký của ông Yên mà chỉ có chữ ký của bà Hiểu. Bà Hiểu cũng cho biết, bà không hề ký hợp đồng chuyển nhượng đất nào cho ông Long cả. Bà bị mù chữ nên các giấy tờ có liên quan bà chỉ điểm chỉ chứ không biết ký, nhưng hợp đồng này lại có chữ ký tên bà nên bà cho rằng đó là hợp đồng giả mạo!

Những điều vừa trình bày trên cho thấy có dấu hiệu vi phạm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cần được xem xét lại chứ không thể coi là đúng pháp luật như án sơ thẩm đã nhận định.

Được biết, bà Hoàng Thị Hiểu đã kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm  21/2013/DSST ngày 7-3-2013 của TAND TP.Buôn Ma Thuột. Hy vọng phiên phúc thẩm sắp tới của TAND tỉnh sẽ có đường lối xét xử phù hợp để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ kiện.

Thế Nhân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.